“ CÁM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY, TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐẺ YÊU THƯƠNG "

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Nhầm vai

TT - Không kể các diễn viên nay đóng vai này mai đóng vai khác trên sân khấu hay trên phim ảnh, những người bình thường cũng đóng rất nhiều vai trong cuộc sống hằng ngày. Nếu diễn viên nhầm vai thì chỉ là sự cố nghề nghiệp, còn người có vai vế trong xã hội mà nhầm vai thì đó là sự cố cuộc đời rồi!
Một doanh nhân nam đứng lên đặt vấn đề với Thủ tướng “có định hướng gì và có lời khuyên gì cho doanh nghiệp chúng tôi, nên đầu tư vào đâu?”.
Một doanh nhân nữ đứng lên “đề nghị Thủ tướng và các cơ quan tham mưu trực thuộc Chính phủ sớm có những biện pháp hữu hiệu để giúp đỡ các doanh nghiệp”. Những câu hỏi ấy dễ làm cho người ta tưởng đó là những vấn đề đang được nêu ra tại hội nghị, hội thảo của giới doanh nhân, chứ không phải tại diễn đàn Quốc hội.
Thủ tướng đã không trả lời hai câu hỏi trên, theo Thủ tướng, vì không có thời gian. Thủ tướng chỉ có 30 phút trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội. Thủ tướng đã chọn trả lời về chủ quyền biển Đông, Luật biểu tình và khai thác khoáng sản. Rõ ràng ba vấn đề lớn này đáng để Thủ tướng ưu tiên trả lời hơn là dành “lời khuyên gì cho doanh nghiệp chúng tôi”.
Không ít cử tri thắc mắc: liệu đại biểu Quốc hội có nhầm vai hay không khi đặt câu hỏi với tư cách “doanh nghiệp chúng tôi”, chứ không phải “cử tri chúng tôi”. Lẽ ra các đại biểu dù là doanh nhân hay xuất thân từ bất kỳ ngành nghề nào cũng phải biết chức năng đầu tiên của đại biểu Quốc hội là chức năng đại diện.
Trước hết, người đại biểu phải nói lên tiếng nói của cử tri, tức phải thật sự vào vai người đại diện cho đồng bào đã bỏ phiếu cho mình. Văn phòng Quốc hội đã tổ chức không ít khóa tập huấn cho các đại biểu mới để chuẩn bị cho họ dấn thân làm đại biểu của dân và cũng để họ đừng nhầm, đừng quên vai đại diện cho dân.
Nếu các đại biểu lỡ nhầm vai có thể hiểu vì họ chưa quen với vai trò mới, tư cách mới. Nhưng nếu các đại biểu cố tình nhầm vai có nghĩa họ chỉ nghĩ đến mình, đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của số đông cử tri. Liệu cử tri có chấp nhận những đại biểu như vậy hay không? Tất nhiên là không! Và cử tri không khó phát hiện ra điều đó khi các phiên chất vấn tại Quốc hội đều diễn ra trước ống kính truyền hình, trước hàng triệu người đang theo dõi.
Quả thật trong đời mình khó có ai có thể đóng thành công được nhiều vai, từ vai trong nhà, trong dòng họ, trong cơ quan đến vai ngoài xã hội. Ngay cả diễn viên chuyên nghiệp cũng chỉ đóng một vai trong một thời gian ngắn mà nhiều khi phải đóng đi đóng lại nhiều lần mới đạt. Vậy thì tốt hơn hết mỗi người chỉ nên đóng thật đạt một vai chính của mình mà thôi!

Nguồn : TUỔI TRẺ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét