Cách đây chưa lâu, dư luận mạng ồn ào bàn tán sau khi clip "quần đùi đỏ dùng điếu cày giải quyết ùn tắc giao thông". Rất nhiều người đã vỗ tay, dù đây là hành vi có màu sắc bạo lực. Đôi khi, chỉ vì những nỗi bức xúc thường ngày, trong trường hợp này là chuyện ùn tắc, người ta dễ thông cảm cho ....những cái điếu cày.
Hôm qua, tai nạn giao thông- hoàn toàn không ngẫu nhiên, trở thành chủ đề chất vấn chính tại Quốc hội, dù rất ngẫu nhiên, chỉ ngay trước ngày Bộ trưởng Đinh La Thăng đăng đàn, trong một ngày 22-11, cả nước đã xảy ra 50 vụ TNGT, làm 41 người chết và 53 người bị thương. Chính Bộ trưởng Thăng đã dẫn số liệu có tới 11.929 đã chết vì tai nạn. 9.290 người khác bị thương trong chỉ một năm để: "So sánh với thảm hoạ sóng thần tại Nhật Bản" khi mà "Số người chết bằng 75%, số người bị thương bằng 156%”.
Bây giờ, tai nạn nhiều và ám ảnh đến mức không ngày nào là không có những dòng tin tang tóc, đẫm máu về tai nạn, và cái chết. Và Bộ trưởng có lý khi coi đó là một thảm họa, thậm chí một quốc nạn.
Kể từ khi Bridget Driscoll, một phụ nữ người Anh, được ghi nhận là nạn nhân đầu tiên chết vì tai nạn giao thông vào ngày 17-8- 1896, số người chết ngày càng nhiều. Ở Việt Nam, sau con số kỷ lục hơn 14.000 người chết vào năm 2007, 4 năm gần đây, năm nào số người chết cũng trên dưới 11.000 người. Hậu quả do TNGT xảy ra cũng ngày càng nặng. Nếu như năm 1995, cứ 2,8 vụ tai nạn mới làm tử vong 1 người thì đến năm 2010 chỉ với 1,2 vụ tai nạn giao thông đã có 1 người tử vong.
Lựa chọn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, một bộ trưởng Bộ Giao thông, khi tuyên chiến với tai nạn giao thông, và ùn tắc giao thông, vì thế, là một lựa chọn đúng và chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ, dù đáng lẽ đó phải được hiểu là trách nhiệm của Bộ trưởng.
Nhưng cái mà cử tri mà nhân dân cả nước quan tâm là Bộ trưởng sẽ làm thế nào để giảm sự tang tóc trong mỗi gia đình?
Một trong những đột phá của Bộ trưởng là về vấn đề hạ tầng giao thông. Bởi không phải ngẫu nhiên mà TNGT, và gắn liền với những con số thống kê rợn tóc gáy về số người chết, số người bị thương, tập chung chủ yếu ở các nước đang phát triển, nơi mà hạ tầng giao thông vừa thiếu, vừa yếu. Không khó để tìm ra câu trả lời ấn tượng nhất trong vô số những câu hô khẩu hiệu, trích nghị quyết: Sẽ kiên quyết thay thế các nhà thầu, các tư vấn giám sát, đặc biệt các BQL không đạt yêu cầu.
Có lẽ, đột phá- nếu có; biện pháp- nếu có, điểm nhấn- nếu có, ghi dấu ấn- nếu có, chính là việc ông sẽ rất sẵn sàng, rất quyết liệt- theo ngôn ngữ của báo chí là- "chém tướng", mà sự kiện "Sân bay Đà Nẵng" hay "Sài Gòn- Trung Lương" là những ví dụ điển hình.
Tại Lễ phát động “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu 2011 - 2020” của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam hôm 11-5, một PV đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GTVT, lúc đó là ông Hồ Nghĩa Dũng: "...đến bao giờ thì mọi người mới hết ám ảnh về TNGT, đặc biệt là TNGT thảm khốc?". Ông Dũng trả lời "Đến bao giờ người Nam mới hết ám ảnh về TNGT thì tôi không thể trả lời được".
Hôm qua, Bộ trưởng Thăng cũng tỏ ra xuất sắc không kém khi ông trả lời "Tôi chưa thể hứa bao giờ hết tắc đường". Nhưng chí ít, ông cũng hơn Bộ trưởng Dũng ở việc ông dám hứa, dám mạnh dạn đề ra chỉ tiêu sẽ giảm 5-10% số vụ tai nạn trong nhiệm kỳ Bộ trưởng. Dù có rất nhiều nghi hoặc trong việc phân định đây là một quyết định dũng cảm của một bộ trưởng dám nghĩ, dám làm, hoặc biểu hiện sự non nớt của một tân chính trị gia lần đầu "đi thi"- như chính Bộ trưởng Thăng nói thì dẫu sao, ông cũng đã làm điều mà những vị bộ trưởng "khôn ngoan" trước đây không bao giờ hứa hẹn.
Bản tin tối của VTV đã rất "thâm hiểm" khi đưa thông tin chỉ trong hai tiếng "đi thi", ông đã hô kiên quyết đến 10 lần, nhưng cũng 11 lần dùng từ "thông cảm".
Cũng cần phải nói thêm, giảm tai nạn, và nhất là giảm ùn tắc, hoàn toàn không đơn giản chỉ là việc trảm, hay dùng điếu cày. Bởi kiên quyết mà dùng điếu cày hay phóng lợn thì rất khó để thông cảm
Nguồn : ĐAOTUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét