Vừa qua, vị Đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước đã làm nóng dư luận khi nêu vấn đề liên quan đến 2 dự luật Luật biểu tình và Luật lập hội tại diễn đàn quốc hội. Bằng một số lập luận ngắn, ông kết luận, cần phải loại bỏ 2 luật này ra khỏi chương trình nghị sự quốc hội trong suốt khóa XIII và còn ám chỉ cần loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống chính trị của xã hội Việt Nam.
Việc diễn đạt để đi đến các kết luận như trên của ông Hoàng Hữu Phước khá băm bổ, đọc lên không thấy một chút nào là lập luận của một nhà lập pháp. Chẳng hạn về Luật biểu tình ông viết: “Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân”.
Quyền tự do lập hội, tự do biểu tình là 2 trong 5 quyền cơ bản của công dân được ghi rõ trong các văn bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 (5 quyền là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội và tự do biểu tình) thế mà ông Phước gọi là “cái gọi là”, một cách gọi hết sức miệt thị. Cách gọi này của ông Phước chẳng những vô nguyên tắc mà thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường hiến pháp, coi thường quốc hội các khóa trước.
Thực ra Hiến pháp quy định là quy định khung, còn chúng ta sẽ cân nhắc để mở các quyền ra cho công dân đến mức nào là tùy vào tình hình thực tiễn của từng giai đoạn, quốc hội sẽ sáng suốt xem xét, nhưng một đại biểu quốc hội không thể vì lý do không muốn mở quyền mà phát biểu vi hiến bằng cách xổ toẹt cả hiến pháp như thế.
Bây giờ tôi xin trao đổi vài điểm với ông Hoàng Hữu Phước. Về Luật lập hội, ông viết: “Nếu Luật lập hội là để tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vậy Luật lập hội có cần không? Nếu Luật lập hội là để tạo nên các hội mới nằm bên trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như 44 thành viên hiện hữu để làm phong phú hơn tổ chức hùng mạnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vậy Luật lập hội có cần không?”. Thưa ông Phước, ở đây ông đã nhầm lẫn khái niệm. Luật lập hội là để quy định một loạt các vấn đề có tính nguyên tắc khi lập hội, bao gồm cho cả hội mới và cả hội đã có sẵn về số lượng thành viên tối thiểu, thủ tục đăng ký, con dấu, trụ sở, kinh phí hoạt động… Còn Mặt trận Tổ Quốc là một khái niệm hoàn toàn khác. Nếu ông chưa rõ khái niệm Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam là gì, thì xin mời ông đọc lại Khoản 1 Điều 1, Luật Mặt Trận Tổ Quốc:
Điều 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị
1- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Ông thấy đó, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đâu phải là một nhóm hội kiểu như một tổng công ty trong hoạt động kinh tế đâu mà có đối thủ cạnh tranh là một nhóm hội khác, mà có bên ngoài bên trong? Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam là một tổ chức liên minh hết thảy các hội và các tổ chức, cá nhân khác. Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam còn bao gồm cả Đảng cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam nữa kia mà. Vậy thì làm gì có chuyện “tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”?
Lập luận khiên cưỡng, không căn cứ vào cái gì cả, đặc biệt là vi hiến nghiêm trọng, thế nhưng ông Hoàng Hữu Phước lại nhân danh rất nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội để đề nghị Quốc hội “loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình”, trong khi một trong 2 luật ấy được đích thân Thủ tướng chính phủ đề xuất xây dựng. Phải chăng là chuyện tréo ngoe?
Luật gia : TRẦN ĐÌNH THU
Nguồn : Ở ĐÂY
Nguồn : Ở ĐÂY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét