“ CÁM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY, TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐẺ YÊU THƯƠNG "

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Đài Loan quay lại giành “chủ quyền” Nam Hải, cảnh báo Mỹ chia rẻ hai bờ

BTV: Bài báo này được dịch từ mạng Sina, Trung Quốc, cho nên những cụm từ như Nam Hải, Nam Sa…chúng tôi xin được giữ nguyên văn, để đúng với “khẩu khí” của người viết.

Đài Loan dũng mãnh quay lại Nam Hải giành một tuyến “chủ quyền”
Trước cục diện căng thẳng ngày càng nóng lên ở Nam Hải (tức Biển Đông – ND), giới quân sự Đài Loan cho biết sẽ bố trí tên lửa đạn đạo phòng không ở đảo Thái Bình (tức đảo Ba Bình – ND), đảo lớn nhất Nam Sa (tức Trường Sa – ND), đây là lần thứ ba kể từ đầu năm đến nay, giới quân sự Đài Loan nhấn mạnh đến việc trang bị vũ khí quân sự ở quần đảo Nam Sa, ý vị tuyên bố “chủ quyền” trong đó rất sâu đậm, đây cũng là tiếng nói mạnh mẽ nhất của chính quyền Đài Loan được phát ra về “chủ quyền” Nam Hải trải qua các thời kỳ đương chức của thế lực “Phong trào độc lập cho Đài Loan” như Lý Đăng Huy, Trần Thủy Biển… luôn làm yếu đi vấn đề “chủ quyền” của các hải đảo.

Diễn biến ở đảo Thái Bình đi đôi với sự tăng giảm quan hệ hai bờ
Đảo Thái Bình là đảo ngoài khơi lớn nhất của quần đảo Nam Sa, nằm ở giữa phía bắc quần đảo Nam Sa, nằm ở phía đông đường hàng hải tây Nam Hải, có vị trí địa lý hết sức quan trọng, cách đảo Đài Loan khoảng 860 hải lý. Toàn bộ đảo Thái Bình được tạo thành bởi các rạn san hô, nhìn vẻ ngoài, chiều đông tây dài hẹp, địa thế thấp, chiều đông tây dài khoảng 1.360 m, chiều nam bắc rộng khoảng 350m, diện tích khoảng 0,443 km2, gần bằng quy mô hai sân tổ hợp thể thao cỡ lớn.
Điều quan trọng hơn là, đảo Thái Bình là hòn đảo có nguồn nước ngọt duy nhất trong số các đảo ở Nam Sa, sẽ giúp ích cho việc đóng quân lâu dài. Hiện nay, phe quân sự Đài Loan đã cho xây dựng các công sự phòng ngự cầu cảng, bùng binh  và sân bay ở đảo Thái Bình, do “Sở cảnh sát biển” Đài Loan điều binh ra đóng quân.
Trong lịch sử, đảo Thái Bình luôn là trung tâm trong chính sách Nam Hải của chính quyền Đài Loan, về đại thể, lịch trình thăng trầm của nó có thể chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1, Quốc Dân đảng rút về Đài Loan cho đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Ở giai đoạn này, tuyên bố có chủ quyền đối với khu vực Nam Hải là lập trường thống nhất của hai bờ. Vì thế, với tư cách là sự tượng trưng “chủ quyền” ở khu vực Nam Hải, kể từ năm 1956, quân đội Đài Loan đã cho lính hải quân lục chiến hiện diện lâu dài trên đảo Thái Bình.
- Giai đoạn 2, giai đoạn chấp chính của “Phong trào độc lập cho Đài Loan”. Ở giai đoạn này, Lý Đăng Huy trước tiên bắt đầu trắng trợn đẩy mạnh lộ trình “Phong trào độc lập cho Đài Loan”, với ý đồ lấy danh nghĩa “Đài Loan Cộng hòa Dân quốc” để thay thế “Trung Hoa Dân quốc”, đồng thời ra sức cổ súy “Đài Bành Kim Mã” (tức Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn, Mã Tổ – ND) là toàn bộ “lãnh thổ”, cố làm mờ nhạt đi “chủ quyền” đối với Nam Hải của khu vực Đài Loan. Dưới áp lực của ông ta, quân đội Đài Loan từng đóng quân hàng chục năm trên đảo Thái Bình đã phải rời khỏi, rồi giao cho “Sở cảnh sát biển” đóng quân ở đó.
Khi Trần Thủy Biển lên cầm quyền, lúc đầu có cách ứng xử tiêu cực về vấn đề Nam Hải, vào thời kỳ cuối lại có ý đồ mượn vấn đề Nam Hải để mưu cầu “độc lập” về chính trị cho Đài Loan. Năm 2006, chính quyền Đài Loan đã cho xây dựng một con đường dài khoảng 1.200 m trên đảo Thái Bình, để máy bay chiến đấu có thể cất hạ cánh. Về mặt này là để phối hợp với Trần Thủy Biển đối kháng lại ý tưởng “quyết chiến với bên ngoài” của đại lục, các đảo vốn bị “vứt bỏ chiến lược” nhờ đó mà nhảy một phát lên thành bàn đạp thực thi tác chiến “tiên chế, phản chế” (tiếng Hán gọi tắt là tác chiến “lưỡng chế”, hành động tấn công chủ yếu trong tác chiến phòng ngự của quân đội Đài Loan, là lối “hù dọa hữu hiệu”; tác chiến “tiên chế” là tấn công áp chế trước; tác chiến “phản chế” là phản kích lại đối phương – ND); mặt khác là để vươn rộng cục diện căng thẳng hai bờ tới tận vùng biển Nam Hải, mưu đồ làm tăng thêm sự chú ý của quốc tế. Tháng 2 năm 2008, Trần Thủy Biển tới đảo Thái Bình, công bố “Sáng kiến Nam Hải”, mưu đồ thúc đẩy Đài Loan tham gia vào khuôn khổ hợp tác đa phương về vấn đề Nam Hải với tư cách một “quốc gia có chủ quyền”.
- Giai đoạn 3, từ ngày Mã Anh Cửu cầm quyền đến nay. Sau khi Mã Anh Cửu nhậm chức, lập trường của chính quyền Đài Loan về vấn đề Nam Hải cũng có phần điều chỉnh đôi chút, liên tục nhắc đi nhắc lại lập trường của “Trung Hoa Dân quốc” về “chủ quyền” cùng việc đồng khai thác ở Nam Hải. Từ đầu năm ngoái đến nay, Philippin ngang nhiên xếp một phần các đảo ở Nam Sa cùng đảo Hoàng Nham (tiếng Anh: Scarborough Shoal – ND) vào các đảo thuộc chủ quyền của mình, khi Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi lúc đương nhiệm đã đặt chân lên Projectile Reef thuộc quần đảo Nam Sa tuyên bố “chủ quyền”, chính quyền Mã Anh Cửu đã nhiều lần tỏ ý phản đối. Chính quyền Mã Anh Cửu có ý định xây dựng đảo Thái Bình thành “Công viên hòa bình quốc tế” mang màu sắc du lịch sinh thái. Tháng 3 năm nay, Khâu Văn Ngạn, Phó giám đốc “Sở bảo vệ môi trường” Đài Loan cho biết, “Công viên hòa bình quốc tế” có thể do cả hai bờ hợp tác khai thác. Điều này cũng sẽ khiến cho đảo Thái Bình mang một ý nghĩa đặc biệt mới mẻ về quan hệ hai bờ.
Cùng với sự can thiệp ngày càng sâu của khu vực Đài Loan vào vấn đề Nam Hải, các quốc gia Nam Hải luôn mang lòng cảnh giác cao độ với Đài Loan, cùng văn hóa cùng giống nòi với đại lục, cuối cùng đã không thể ngồi yên. Cách đây không lâu, giới truyền thông Hồng Kông cho biết, chuyên gia Mỹ tiết lộ, Việt Nam đang sửa soạn binh đao chuẩn bị chiếm đoạt đảo Thái Bình. Nguồn tin này cho biết, quân đội Đài Loan đã bỏ mặc hòn đảo này, thực lực quân sự Đài Loan ở đảo Thái Bình hiện thời về cơ bản sẽ không có cách gì để thực thi phòng ngự hữu hiệu, Việt Nam có đủ khả năng chiếm gọn hòn đảo mang ý nghĩa chiến lược quan trọng này. Về chuyện này, một bản báo cáo đánh giá do “Bộ quốc phòng” Đài Loan đưa ra vào tháng 7 năm nay cũng đã cảnh cáo, trong trò chơi Nam Hải ngày càng đầy kịch tính này, lính cảnh sát biển Đài Loan được bố trí trên đảo Thái Bình đã ở vào thế bất lợi.
Nói cho khách quan thì thời gian gần đây, xác suất động binh đối với đảo Thái Bình của Việt Nam là hết sức nhỏ. Bởi vì điều này có nghĩa là Việt Nam đã ngang nhiên hủy bỏ bản Hiệp định về các vấn đề trên biển vừa đạt được với Trung Quốc đại lục, ngoài ra, đối với Mỹ, cái lối tự tàn hại lẫn nhau này giữa các đồng minh là điều cấm kỵ tuyệt đối.
Không cho phép đánh giá thấp thực lực đóng quân trên đảo của quân đội Đài Loan
Trong bản báo cáo nội bộ nói trên của “Bộ quốc phòng” Đài Loan có nêu rõ, hiện nay Việt Nam đã bố trí 2,7 vạn  lính thủy quân lục chiến ở khu vực quần đảo Nam Sa, Philippines có 8.000 quân, Trong vòng vài ba năm tới, số máy bay chiến đấu Su-27K và Su-30MK2 của không quân Việt Nam sẽ được bổ sung lên tới 24 chiếc, thậm chí tới 36 chiếc. Hai loại máy bay chiến đấu này có bán kính tác chiến lần lượt là 1.500 km và 3.000 km, đảo Đông Sa và đảo Thái Bình hoàn toàn nằm trong tầm công kích, hơn nữa nếu đảo Thái Bình có xảy ra chuyện gì, thì hạm đội chi viện của hải quân Đài Loan sẽ phải đối mặt với sự uy hiếp nặng nề của không quân Việt Nam.
Trong khi đó, sự bố trí binh lực trên hai hòn đảo trên của  chính quyền Đài Loan lại cực kì thảm hại. Hiện thời đã bố trí ở đó loại pháo 20mm với tầm bắn hữu hiệu chỉ là 1,5km, ngay cả khi đang có kế hoạch thay thế bằng pháo 40mm, thì tầm bắn hữu hiệu đối không cũng chỉ là 2,5km, lại chỉ có thể dùng để “nhắm để mà ngắm”, chứ không thể có cách gì tạo nên sự uy hiếp đối với máy bay chiến đấu của Việt Nam.
Khi xem xét vấn đề này, “Bộ quốc phòng” Đài Loan đã ký một kế hoạch về việc bố trí hệ thống tên lửa đạn đạo tiên tiến ở khu vực Nam Hải. Kế hoạch này đòi hỏi phải trang bị cho lính cảnh sát biển ở đảo Thái Bình và đảo Đông Sa loại tên lửa “Cây sồi nhỏ” (tiếng Anh: “Small oak tree” missile – ND) hoặc tên lửa đất đối không “Thiên kiếm-1” (tiếng Anh: “Sky Sword 1″ missile – ND), “Bộ trưởng Bộ quốc phòng” Đài Loan Cao Hoa Trụ cho biết thêm, loại tên lửa sau có khả năng phù hợp hơn.
Trước đây, loại tên lửa “Cây sồi nhỏ” do Mỹ chế tạo đã được bố trí tới tận đảo Đông Sa và đảo Thái Bình ngay từ thời Tưởng Kinh Quốc, song đã được thu về từ sau năm 2001. Theo nguồn tin này, lúc đầu động tác thu tên lửa về, ngoài việc cân nhắc khía cạnh chính trị ra, chủ yếu là do loại tên lửa này là loại vũ khí tinh xảo cần nhiều người thao tác, nếu bố trí ngoài hải đảo xa xôi sẽ bị sóng biển ăn mòn, bị phơi cháy giữa nắng, việc bảo dưỡng sửa chữa và huấn luyện nhân viên thao tác đều tương đối khó khăn, với quy mô chỉ có 105 lính đóng quân trên đảo, không những không thể phát huy hữu hiệu sức chiến đấu bảo vệ bầu trời, trái lại lại còn trở thành gánh nặng.
“Thiên kiếm-1” là loại tên lửa đất đối không tầm trung và tầm ngắn do khu vực Đài Loan tự nghiên cứu chế tạo, cùng với các trang thiết bị mặt đất có liên quan khác như giàn bệ phóng… cấu thành hệ thống tên lửa phòng không dã chiến “Tiệp linh” của Đài Loan. Mỗi giàn bệ phóng có thể tải được 4 tên lửa, máy phóng tên lửa có thể xoay được 360º, tầm tiếp chiến rộng, hơn nữa lại có thể phóng được cả ngay trong khi lái. Nó được dẫn hướng bằng nguồn nhiệt hồng ngoại, là loại vũ khí thích hợp để đối phó với các loại máy bay tầm thấp. Do máy bay công kích Su-22 của Việt Nam, máy bay chống bạo động OV-10 của Philippines là những loại máy bay chủ yếu thường xuyên áp sát Đài Loan để chiếm các đảo san hô, nên cử chỉ này của giới quân sự Đài Loan có thể gọi là phóng tên có đích.
Trên thực tế, đây đã là lần thứ ba kể từ đầu năm nay, giới quân sự Đài Loan nhấn mạnh đến việc làm mạnh thêm sức chiến đấu đóng quân. Ngay từ tháng 6, “Sở cảnh sát biển” Đài Loan đã bắt đầu điều những đội viên cảnh sát biển đã được huấn luyện trong đội ngũ thủy quân lục chiến thuần thục ra đảo. Sau đó, các lãnh đạo cấp cao của quân đội Đài Loan còn cho biết, “Bộ quốc phòng” Đài Loan quyết định cung cấp các tàu tên lửa đẳng cấp “Hải âu”, xe tăng M41A3… để trang bị cho lính đóng quân ở đảo Thái Bình thuộc “Sở cảnh sát biển” sử dụng. Tàu tên lửa đẳng cấp “Hải âu” có gắn tên lửa bắn tàu chiến “Hùng Phong thế hệ 1”, với tầm bắn tới 40 km, có khả năng uy hiếp tương đối lớn đối với quy mô hải quân chiến hạm mặt nước cỡ lớn nhất nhưng lại chỉ có tàu khu trục hiện có ở các nước xung quanh Nam Hải. Ngoài ra, Cao Hoa Trụ còn cam đoan, “Sở cảnh sát biển” có thể yêu cầu “Bộ quốc phòng” trang bị bất cứ loại vũ khí nghĩa vụ nào. Mức độ ủng hộ này là chưa từng có.
Cảnh giác Mỹ chia rẽ thêm quan hệ hai bờ
Những động thái tích cực được thể hiện trong vấn đề Nam Hải của khu vực Đài Loan được cho là đã nhận được sự chấp thuận từ phía đại lục. Cuối tháng 6 năm nay, Dương Nghị, phát ngôn viên Văn phòng Nội vụ Đài Loan, khi đáp lại những chuyển động từ phía Đài Loan đã từng nhấn mạnh: “Bảo vệ chủ quyền các đảo ở Nam Hải cùng các vùng biển phụ cận là trách nhiệm chung của đồng bào hai bờ”.
Song cho đến nay, đối với vấn đề Nam Hải, những đòi hỏi về lợi ích chung của hai bờ là rất hạn chế. Mặc dù lập trường và thái độ mà hai bờ vẫn giữ đối với vấn đề Nam Hải về đại thể là giống nhau, song lại cách nhau rất xa trên thực chất. Tuyên bố của Đài Loan về “chủ quyền” đối với các khu vực liên quan ở Nam Hải, ngoài chuyện bảo vệ lợi ích đã có của Đài Loan ở Nam Hải ra, còn có cả ý đồ nhấn mạnh trước cộng đồng quốc tế là mình cũng là “thực thể chủ quyền”.
Vì thế, cộng đồng thế giới thiên về phán đoán rằng khả năng phòng thủ liên hợp công khai giữa hai bờ là rất ít, song lại tồn tại khả năng phối hợp theo thỏa thuận ngầm, bằng việc áp dụng các phương thức bí mật mà tạo dựng nên một biểu tượng liên hợp ngẫu nhiên. Chẳng hạn, cả hai bên đều điều tàu quân sự đến để tăng cường phòng thủ trên các đảo, đều có các động thái tương tự trong cùng một thời điểm hoặc áp dụng một hành động nào đó với cùng một đối thủ. Điều này đã có tiền lệ trong lịch sử. Tờ “Đại công báo” của Hồng Kông cho biết, tháng 3 năm 1988, tàu hải quân của đại lục đã tiến hành phản kích hải quân Việt Nam xâm chiếm bãi đá Gạc Ma ở vùng biển bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Nam Sa, giải phóng quân từng dừng chân trên đảo Thái Bình một tuần để bổ sung lương thực và nước uống.
Kể từ khi Mỹ đưa ra Chiến lược trở lại Châu Á, tiêu điểm của Chiến lược trở lại Châu Á chính là Trung Quốc, mà cục diện Nam Hải là tên sát thủ ngăn chặn Trung Quốc giành được sự phát triển tài nguyên từ bên ngoài của Mỹ. Vì thế, điều e ngại lớn nhất trước viễn cảnh liên hợp của “Đại Trung Hoa” là chắc chắn đã có sự liên minh về vấn đề Nam Hải do Mỹ đứng đầu. Như mọi người đã biết, sang năm Đài Loan sẽ bước vào vòng tổng tuyển cử mới, bắt đầu từ năm nay, Đảng Dân chủ và Đảng Dân tiến sẽ liên tục triển khai các trò chơi xoay quanh chính sách hai bờ. Mà cương lĩnh tranh cử của Thái Anh Văn, ứng cử viên Đảng Dân tiến đã nêu rõ, kiên quyết không thừa nhận Đồng thuận 1992 (1992 Consensus), mà xúc tiến “Đồng thuận Đài Hải”.
Đây hiển nhiên là sự đón ý đồ của Mỹ, lợi dụng vấn đề Đài Loan để gây trở ngại cho sự phát triển của Trung Quốc. Cho nên, trong thời gian Thái Anh Văn thăm Mỹ, tình hình bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ sau một thời gian trầm lắng bỗng xuất hiện sự đột phá quan trọng, kim ngạch giao dịch với gần 60 tỉ đôla Mỹ đã vượt xa so với các mức bán vũ khí trong những năm gần đây. Đằng sau sự việc không bình thường này, người ta dễ dàng nhận ra ý đồ sâu xa của Mỹ: Dùng việc bán vũ khí cho Đài Loan đề kích động “Phong trào độc lập cho Đài Loan”, chia rẽ lòng tin chính trị giữa hai bờ. Vậy thì, một khi Nam Hải xuất hiện cục diện căng thẳng, chính quyền Đài Loan rất có thể sẽ chỉ đóng vai người xem, thậm chí còn “tăng cường phòng thủ” với đại lục theo sự xúi giục của Mỹ, và chi phí chính trị, quân sự mà Trung Quốc phải dùng cho việc xử lý vấn đề Nam Hải sẽ bị đội lên rất cao.

Quốc Trung dịch từ Mạng Sina
Nguồn : Ở ĐÂY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét