TPP là bước đột phá nổi bật nhất tại APEC-19; Việt Nam kịp thời tham gia một tiến trình lịch sử mới tại châu Á-Thái Bình Dương, tạo động lực cho phát triển đất nước trong những thập kỷ tới.
Tại Hawaii, đoàn tàu APEC như thường lệ tiếp tục lăn bánh trên tuyến đường đã được định vị. Tốc độ lúc nhanh, lúc chậm nhưng không chờ đợi những bứt phá. Các trưởng đoàn khoác những tấm áo lúc thì Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, lúc thì Indonesia, Singapore, Việt Nam, ... để dự dạ tiệc và chụp những tấm hình ghi nhận một tiến trình hợp tác không gián đoạn giữa 21 nước thành viên tại một khu vực kinh tế thương mại rộng lớn nhất thế giới, với những nền kinh tế quan trọng nhất thế giới.
APEC năm nay đưa ra một loạt khuyến nghị không mang tính ràng buộc: Nhất trí tìm cách giảm quy mô sử dụng năng lượng của các nền kinh tế thành viên ít nhất 45% vào năm 2035, kể từ năm 2005; đẩy mạnh nỗ lực hội nhập kinh tế thông qua việc tăng cường các chuỗi cung ứng quốc tế về sản phẩm công nghiệp; tăng cường ủng hộ các nhà xuất khẩu vừa và nhỏ và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực xây dựng qui định; một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn tất các vòng đàm phán Đôha. Một vấn đề được quan tâm đáng kể là phản ứng trước thiên tai, thảm họa. Chủ đề quan trọng được ghi nhận là “nền kinh tế xanh” và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thân thiện với môi trường...
Bước đột phá TPP
Điểm nổi bật nhất tại APEC lần thứ 19 này là một tiến trình mới đang được thúc đẩy ráo riết: Cuộc thương thảo hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership -TPP) giữa 9 nước, trong đó có Việt Nam, đạt được một cột mốc quan trọng. Các nhà lãnh đạo 9 nước tham gia đàm phán công bố “tầm nhìn chung về việc thiết lập một hiệp định khu vực toàn diện và thuộc thế hệ mới, trong đó tiến hành tự do hóa thương mại và đầu tư, giải quyết các vấn đề thương mại mới và truyền thống cũng như các thách thức của thế kỷ 21”. Văn kiện này xác định những nguyên tắc chỉ đạo của TPP làm cơ sở cho những cuộc đàm phán tiếp theo.
Đó là kết quả của một năm đàm phán gồm 9 vòng. Tuy chúng phức tạp và kéo dài hơn dự kiến ban đầu, nhưng với thỏa thuận nguyên tắc tại Hawaii 2011, APEC đã có một đối thủ cạnh tranh đáng gờm có thể làm cho nó trở nên mờ nhạt hơn.
Hiện vẫn còn một số vấn đề nhạy cảm và khác biệt giữa các nước TPP chưa được đàm phán. Các nhà lãnh đạo đã nhất trí cùng tìm ra những cách thức phù hợp để giải quyết trong một gói cam kết tổng thể và cân bằng, trong đó tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của mỗi nước thành viên. Với điểm này, tiếng nói của những thành viên tham gia đàm phán như Việt Nam đã được lắng nghe. Hồi tháng 5 năm nay, tại Washington, phía Việt Nam từng nêu vấn đề cần một lộ trình để thực thi các tiêu chuẩn rất cao trong hiệp định này. Phía Mỹ chia sẻ khó khăn của Việt Nam và thể hiện việc sẵn sàng giúp Việt Nam về mặt kỹ thuật để nâng cao năng lực, đáp ứng quá trình đàm phán cũng như triển khai hiệp định sau này.
Nhật Bản ngỏ lời tham gia TPP, Trung Quốc muốn được mời
TPP được 4 thành viên sáng lập là Bruney, Chile, Niu Dilân và Singapore ký năm 2005. Sau đó vào năm 2008, Mỹ, Peru, Úc, Việt Nam (đến 2011 có thêm Malaysia) đã tham gia với mục tiêu tạo ra một khu vực thương mại tự do, về nguyên tắc, mọi hàng rào thuế quan sẽ bị loại bỏ và tự do hóa việc trao đổi dịch vụ và đầu tư. Tại cuộc gặp mặt lần này, các nhà lãnh đạo 9 nước tiếp tục kêu gọi sự tham gia của các đối tác với mục tiêu hoàn thành khung chi tiết của TPP vào năm 2012.
Người ta quan tâm nhiều tới thái độ của Trung Quốc đối với TPP. Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nhận xét rằng: “Cho tới nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ lời mời nào tham gia đàm phán TPP của các nền kinh tế thành viên. Một ngày nào đó nếu được mời, Trung Quốc sẽ xem xét nghiêm túc đề nghị đó”.
Đáp lại, Đại diện thương mại Mỹ nói: Quá trình thương lượng TPP “không phải là một câu lạc bộ khép kín. Ai cũng có thể xin gia nhập, nhưng chẳng nên đợi là sẽ được mời”.
Thực ra, Trung Quốc chưa sẵn sàng tham gia TPP. Nền kinh tế của nước này vẫn đủ mạnh để trước mắt một mình chơi một sân. Vấn đề lớn nhất đối với Trung Quốc là khu vực quốc doanh sẽ bị đặt lên bàn đàm phán. Mỹ luôn luôn đòi hạn chế khu vực doanh nghiệp nhà nước để chống bảo hộ thương mại, minh bạch hóa thủ tục tiếp cận, bảo vệ môi sinh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người lao động, hỗ trợ các cơ sở doanh nghiệp vừa và nhỏ... Đây là những điều nhạy cảm đối với Bắc Kinh. Và việc chính quyền Noda vượt qua các bất đồng sâu sắc nội bộ, đưa Nhật Bản tham gia vào một tiến trình lịch sử mới tạo sức ép đáng kể đối với Bắc Kinh. Trước mắt, nó làm cho kế hoạch xây dựng khối thương mại tự do Đông Bắc Á do Bắc Kinh đề xướng mất động lực.
Về phần TPP, nó được lập ra để Mỹ, Nhật Bản hay một số nước khác thiết lập một trật tự kinh tế thương mại mới ở châu Á cạnh tranh với Trung Quốc. Chính quyền Washington, bằng việc cầm trịch một quá trình liên kết kinh tế mới, đã lấy lại thế thượng phong đối với Trung Quốc. Người vào cuộc ở giai đoạn đàm phán này sẽ có quyền thương lượng và đàm phán các điều kiện phù hợp với lợi ích của mình. Kẻ đến sau sẽ bị áp đặt luật chơi. Do đó, với sự ủng hộ của Washington, Nhật Bản, Canada và Mexico nhân dịp dự APEC-2011 đã tuyên bố tham gia quá trình đàm phán TPP, đưa tổng số bên thương lượng lên 12. Theo giới quan sát, một số quan sát viên như Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Đài Loan... sẽ cảm thấy áp lực gia tăng khi đứng ngoài cuộc chơi lớn.
Bất đồng Mỹ-Trung trên mặt trận kinh tế thương mại còn bộc lộ rõ nét hơn nữa qua cuộc đấu khẩu liên quan đến cách thức Trung Quốc vận hành nền kinh tế của mình, trước hết trong vấn đề định giá đồng nhân dân tệ. Trong bài phát biểu chính thức tại Hội nghị APEC, Tổng thống Barack Obama đề nghị Bắc Kinh “tôn trọng các quy định hiện hành về quyền bảo hộ trí tuệ, nâng tỷ giá đồng NDT”. Còn tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị, ông Obama nói rằng Mỹ đã “chán ngấy” tập quán thương mại và tiền tệ của Trung Quốc. Trước hàng loạt ống kính máy quay phim, ông Obama nói nền kinh tế Trung Quốc đã đủ trưởng thành, do vậy “không thể tiếp tục phớt lờ các quy định quốc tế”. Bằng giọng điệu cứng rắn nhất từ trước tới nay đối với Trung Quốc, ông Obama yêu cầu Bắc Kinh phải dừng ngay việc “đánh bạc” với hệ thống kinh tế quốc tế và phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài. Giới quan sát cho rằng, sự lên giọng này mang khẩu khí của chính trị tuyển cử Mỹ, nơi tâm lý bài Trung Quốc đang sục sôi trong giới cử tri Mỹ.
Tại APEC-19, trong phát biểu công khai hay gặp riêng, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Barack Obama thẳng thắn trao đổi các quan điểm về cách thức mỗi bên điều hành nền kinh tế của nước mình
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, theo trang mạng Trung Quốc chinanews, đáp lại: “Thâm hụt cán cân thương mại và các vấn đề thất nghiệp không phải là hậu quả của tỷ giá đồng NDT và ngay cả việc đồng NDT được nâng giá cao thì cũng không giải quyết được những vấn đề mà nước Mỹ phải đương đầu”. Theo hãng Reuters, Washington không có các công cụ để tác động đến Trung Quốc, một nước đang nắm giữ nhiều trái phiếu Mỹ nhất - khoảng 1.100 tỷ USD.
Việt Nam tham gia các sân chơi lớn
Việt Nam tham gia APEC năm 1998 - 9 năm sau khi tổ chức này thành lập. Với Việt Nam, APEC hiện là khu vực đầu tư trực tiếp lớn nhất, với 65,6% tổng số vốn đầu tư nước ngoài. Trong 14 đối tác đầu tư lớn nhất (trên 1 tỷ USD) vào Việt Nam, có 10 đối tác thuộc APEC. APEC hiện là khu vực cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất, chiếm 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% khách du lịch quốc tế của Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự phiên họp các nhà lãnh đạo APEC (Ảnh: TTXVN)
Với những kinh nghiệm cải cách và mở cửa của 20 năm Đổi mới, Việt Nam đã kịp thời tham gia đoàn tàu TPP. Khi quá trình thương lượng kết thúc, TPP sẽ mang tính pháp lý ràng buộc, một sân chơi cao cấp nhất mà nước ta từng tham gia. Một khi trở thành thành viên chính thức của TPP, không cần phải nói “đối tác chiến lược”, quan hệ giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên quan trọng nhất tại châu Á-Thái Bình Dương tự nó đã mang tầm chiến lược ở cấp độ cao hơn, không chỉ về kinh tế thương mại mà trên cả các phương diện chiến lược liên quan chính trị, ngoại giao, an ninh, phát triển. TPP sẽ đem lại cho Việt Nam đòn bẩy mới trong các cơ chế hợp tác song phương và đa phương hiện hành.
Đa dạng hóa với trọng tâm trọng điểm là con đường sống còn đối với mọi quốc gia nhỏ và vừa. Cơ hội đi liền với thách thức. Và thực tiễn mà người Việt Nam ta đã trải nghiệm trong suốt lịch sử đương đại cho thấy, thách thức chính là động lực của sự phát triển dân tộc mình./.
Nguồn : TOQUOC.GOV.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét