“ CÁM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY, TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐẺ YÊU THƯƠNG "

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Nghề làm thầy đang gặp khó?


LTS: Mới đây, Tuần Việt Nam nhận được bài viết của tác giả Hồ Bất Khuất, bàn luận buồn vui về nghề dạy học, vào đúng thời điểm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Tuần Việt Nam chúng tôi xin đăng tải bài viết, với hy vọng nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, những kiến nghị và giải pháp chấn hưng giáo dục.
Cũng nhân dịp này, xin kính chúc các nhà giáo sức khỏe, hạnh phúc và thành công trên hành trình khó nhọc- tải đạo học.

Vì sao lại như thế này?
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 là một ngày thiêng liêng, nhưng hình như đang mất dần ý nghĩa. Tôi nhớ ngày tôi học lớp Một (1965), trước ngày 20 -11 khoảng mươi ngày, một người bạn nói về ý nghĩa của ngày này và rủ tôi "lên kế hoạch" đến nhà cô giáo.
Chúng tôi cùng nhau đi câu cá hai buổi và bán được 1 đồng 2 hào. Chúng tôi mua một nải chuối hết 5 hào. Sợ người lớn nhìn thấy nên chúng tôi giấu vào đống rơm. Khi đến lấy ra thì, ôi thôi, gãy hết rồi! Chúng tôi đành phải cố gắng ăn hết và dùng 7 hào còn lại mua quýt. Chúng tôi hồi hộp đến nhà cô với túi quýt khá nặng tay.
Cô giáo vui vẻ đón chúng tôi, đặt túi quýt lên bàn và nói chuyện. Đã khá lâu mà không thấy cô ăn quýt, tôi mạnh dạn thưa: "Thưa cô, cô ăn quýt đi để em lấy vỏ về cho mẹ em nấu cá ạ!".
Cô giáo mỉm cười hiền hậu, khen tôi là đứa con biết quan tâm đến mẹ. Cô bóc quýt mời chúng tôi ăn, chia túi quýt thành ba phần, đưa cho chúng tôi mỗi đứa một phần rồi nói: "Cô cám ơn các em đã đến thăm nhà cô trong ngày Hiến chương các nhà giáo, lại có cả quà nữa, cô rất vui. Nhưng cô chỉ thật sự vui khi các em ngoan và học giỏi. Các em có thể đến chơi nhà cô bất cứ lúc nào, không cần phải quà đâu...".

Suốt cả thời đi học, tôi còn có nhiều kỷ niệm đẹp về Ngày Nhà giáo. Nhưng càng ngày tôi càng thấy ngày này mất dần ý nghĩa thiêng liêng, thậm chí nó trở thành một gánh nặng. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi phải lo tiền bỏ phong bì  đưa cô giáo, rồi lại lo con cái bị tai nạn giao thông trong ngày này...
Rồi nhiều thầy giáo, cô giáo quá bận rộn và rơi vào những tình huống khó xử. Cả thầy, cả trò, cả phụ huynh đang phải làm những việc mà họ không cảm thấy thoải mái trong Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Vì sao lại như vậy? Vì ai cũng biết những việc làm đó hiện không mấy chứa đựng những tình cảm thầy trò thiêng liêng, tốt đẹp. Có chuyện vui cười ra nước mắt. Một cô giáo gặp học sinh, không thấy học sinh chào nên hỏi: "Tại sao em không chào cô?". Học sinh trả lời: "Em tưởng trong phong bì mẹ em đưa cho cô có đủ cả rồi...".
Trên thực tế, không chỉ có những giáo viên vòi vĩnh, mà chính nhiều gia đình cũng thậm thụt "phong bì, phong bao" khiến cho một số trẻ nhận thức ngu ngơ, lệch lạc.

Ảnh minh họa

Giáo dục Việt Nam đang "đẽo cày ở ngã ba đường"
"Đẽo cày giữa đường" là một câu chuyện vô cùng thú vị trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Nhờ có giáo dục mà đông đảo người Việt Nam biết tới chuyện này. Oái oăm thay, câu chuyện này đang vận vào chính... ngành giáo dục.
Theo thống kê sơ bộ, đã hàng chục năm nay, mỗi tháng trung bình có khoảng 1000 bài báo nói về giáo dục. Nội dung phần lớn những bài báo này đều hiến kế, góp ý cho giáo dục. Mong giáo dục Việt Nam đáp ứng được kỳ vọng của một dân tộc hiếu học đang có khát vọng phát triển nhanh chóng. Nhưng có một điều, trong những bài báo này, nhiều khi ý tưởng lại đối lập nhau chan chát; mà ý tưởng nào cũng viện dẫn cơ sở lý luận và kinh nghiệm thành công rực rỡ của nước ngoài.
Trước hiện tượng này, một giáo sư giàu kinh nghiệm ví von: "Nhiều người nói về giáo dục y như nói về bóng đá, nghĩa là người ta nói vì quan tâm, vì yêu thích nhưng nhiều khi chẳng hiểu gì cả. Có người cả đời chưa bao giờ xỏ giày ra sân bóng nhưng vẫn hét vào mặt một cầu thủ nổi tiếng: "Đá như dở hơi ấy, nghỉ đi!". Có người học hành chẳng đến nơi, đến chốn gì, thậm chí sử dụng bằng giả nhưng vẫn phán về giáo dục rất kêu".
Ấy vậy nhưng những ý kiến này có ảnh hưởng lớn, khiến những người lãnh đạo cao cấp của giáo dục Việt Nam trong vài chục năm qua tỏ ra lúng túng, bị động. Có thể do thiếu bản lĩnh, chưa có "triết lý giáo dục Việt Nam" nên họ "lái con thuyền giáo dục", khi thì theo mô hình giáo dục của Liên Xô cũ, lúc lại theo kiểu Anh, kiểu Mỹ; và gần đây có "hơi hướng" của Hàn Quốc, Trung Quốc.
Nhưng cái hay, cái tốt của nước ngoài không trở thành cái hay, cái tốt của ta vì chỉ thấy họ tốt là làm theo mà không biết nó có phù hợp với ta hay không; khi thấy chưa có kết quả tốt lại vội vàng theo cái khác.
Như vậy, ngành giáo dục Việt  Nam không chỉ "đẽo cày giữa đường", mà còn "đẽo cày giữa ngã ba đường". Kết quả là cho đến lúc này nền giáo dục nước ta vẫn không có bản sắc, chưa có mô hình rõ ràng, nhiều tiêu cực, chất lượng thấp. Và dường như đang lạc giữa "trận đồ bát quái", chưa tìm được đường ra, nghĩa là chưa có một chiến lược phát triển khiến xã hội yên tâm.

Bộ trưởng biết cũng giải quyết vấn đề gì?
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục là giúp trẻ em hình thành nhân cách của mình trên cơ sở những giá trị đã được khẳng định như: Lòng yêu thương, tính trung thực, sự cao thượng, tính khẳng khái, giàu lòng tự trọng...
Nhưng thực tế cuộc sống có hỗ trợ cho những tư tưởng giáo dục này đâu! Mọi việc diễn ra hàng ngày có vẻ đi ngược lại những điều thầy nói. Yêu thương gì khi chỉ hơi mâu thuẫn là người ta đâm chém nhau?! Yêu thương gì mà cấp trưởng thuê côn đồ giết cấp phó? Yêu thương gì mà bảo vệ đánh học sinh đến phải nhập viện? Trung thực, khẳng khái ở đâu ra nếu người ta dùng tiền là có thể mua được mọi thứ?!
Đến việc phong chức danh khoa học GS, Phó GS cũng đầy rẫy những điều nhiễu nhương, khuất tất. Những người xứng đáng nhưng không chạy "cửa sau" thì bị đánh trượt. Còn những kẻ kém cỏi nhưng chịu khó "đi chợ" thì vẫn được phong cấp, phong hàm như thường.
Mới đây tôi gặp lại anh TNV - người hai năm liền bị đánh trượt GS (đã được phản ánh trong bài ""Einstein xin phong GS ở Việt Nam cũng trượt!"). Thấy anh cười nói vui vẻ, tôi hỏi: "Trúng rồi à? Thành GS rồi chứ?". Anh trả lời: "Không, mình không nộp hồ sơ nữa".
Người được xem là xứng đáng để trở thành GS trong lĩnh vực ngữ văn (anh lại vừa cho ra mắt một công trình lớn gây ấn tượng là quyển sách "Thực thể Việt - nhìn từ các toạ độ chữ") lại không quan tâm tới việc xét phong danh khoa học nữa.
Sự việc này nói lên điều gì?
Một đơn vị cấp cục của một bộ quan trọng ở Hà Nội thi tuyển công chức. Kỳ thi này được phổ biến rộng rãi nên có nhiều đối tượng dự thi, nhưng chủ yếu vẫn là con em của những người trong ngành. Một cô gái không có người thân quen tự tin đến dự thi. Vào phòng thi, cô thấy hầu như tất cả những người dự thi đã được chuẩn bị kỹ càng, thậm chí họ đã có bài làm sẵn, chỉ việc mở ra, chép lại.
Tất cả những việc đó diễn ra trước mắt những người coi thi, nhưng không ai có phản ứng gì. Cô gái cũng mở giấy bút ra viết. Khi chấm bài, ban giám khảo mới biết, cô viết nhưng không phải làm bài thi mà cô nói lên những gì mắt thấy, tai nghe và những suy nghĩ của mình.
Cô kết luận: "Dù em có học chăm, học giỏi thế nào, dù em có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể thắng những người đã biết trước đề, có đáp án trong tay. Hơn nữa, những người coi thi nhìn thấy như vậy nhưng vẫn im lặng. Có nghĩa là mọi việc đã được định trước rồi. Những ai được tuyển làm công chức kỳ này, thậm chí đã có tên, có tuổi. Vậy em làm bài thi để làm gì???".
Những người trong ban giám khảo chuyền tay nhau đọc bài của em, mang hồ sơ ra xem lại. Đây đúng là một học sinh xuất sắc toàn diện với thành tích 12 năm phổ thông là học sinh giỏi, tốt nghiệp đại học xuất sắc.
Ban giám khảo bàn với nhau có nên báo cáo việc này với bộ trưởng bộ đó không. Cuối cùng họ quyết định không báo cáo với lý do: "Bộ trưởng biết cũng giải quyết vấn đề gì".
Một thầy giáo già nói với tôi: "Một trong những biện pháp có hiệu quả trong giáo dục là nêu gương tốt để học trò học theo, làm theo. Nhưng nay ngoài tấm gương của Bác Hồ, của các anh hùng, liệt sỹ xa xưa, khó mà tìm ra trong những người đương thời một tấm gương có sức hấp dẫn. Đến GS Ngô Bảo Châu mà còn có những người cho là "ngộ nhận" thì còn biết nói gì với học sinh?!
Mới đây tôi thấy báo chí nói có một thanh niên còn rất trẻ được đề bạt vào chức vụ cao. Tôi xem kỹ và thấy cũng không thể nêu gương được. Nó có hơi hướng của cái câu "Con vua..."
Khó, vẫn phải giữ vững đạo làm thầy?
Qua những câu chuyện và tâm sự của những thầy giáo tâm huyết, tôi biết nghề thầy đang gặp nhiều khó khăn. Không ai phủ nhận những hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục. Không ai bao che những thầy giáo, cô giáo biến chất. Tuy nhiên, đại bộ phận giáo viên vẫn mong muốn giữ vững đạo làm thầy, nghĩa là cố gắng giữ mình trong sạch, làm gương để học sinh có niềm tin mà học tập, rèn luyện.

Nhiều thầy giáo, cô giáo mong muốn không chỉ dạy kiến thức mà còn muốn dạy cách sống, cách làm người. Đây chính là nền tảng cơ bản của giáo dục mà chúng ta phải duy trì và củng cố.
Những năm trước, học sinh thi vào ngành sư phạm thường là những học sinh giỏi. Vài năm gần đây chất lượng đầu vào của các trường sư phạm đang có xu hướng giảm. Đây là điều đáng lo. Nếu hiện tượng này tiếp tục kéo dài, giáo dục có thể lâm nguy.
Muốn thế, trước hết xã hội phải thể hiện rõ quan điểm của mình: Nghề dạy học luôn là nghề cao quý. Nhà nước phải có chính sách thích hợp, bảo đảm cả quyền lợi vật chất lẫn đời sống tinh thần của giáo viên.
Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của phát triển kinh tế thị trường, hay còn có tên gọi là "thị trường... hoang dã". Nhiều hiện tượng tiêu cực là không tránh khỏi. Với đà tăng trưởng kinh tế hiện nay, trong tương lai không xa mọi quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Để có được điều đó, người thầy phải giữ vững đạo làm thầy.
Nhưng muốn thế, xã hội phải chung tay gỡ khó cho các thầy, các cô.

Nguồn : Tuan vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét