Giữa lúc tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang hoàn tất chuyến công du 9 ngày tới châu Á - Thái Bình Dương bằng cách viếng thăm nơi ông từng sống thời niên thiếu - Indonesia. Tại đây, ông sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nước Đông Á.
Vấn đề an ninh và tầm nhìn đối với vai trò ngày càng gia tăng của Mỹ ở châu Á được cho là tâm điểm của việc tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Bali của ông Obama, sau khi kết thúc chuyến thăm Australia. Tuy nhiên, theo giới phân tích, những quan ngại về Trung Quốc có thể phủ bóng các cuộc gặp của Tổng thống Mỹ vào thứ sáu, thứ bảy với các nhà lãnh đạo châu Á.
Tổng thống Mỹ gánh trọng trách tới Indonesia. Ảnh: metro |
Ông Obama cũng sẽ có cơ hội gặp gỡ bên lề với các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, người mà ông có mối quan hệ cá nhân đặc biệt gần gũi khi Mỹ nỗ lực tăng cường hợp tác với các đồng minh khu vực và ủng hộ vai trò lớn hơn với các quốc gia bạn bè.
Với ông Obama, chuyến thăm này sẽ đánh dấu sự trở lại một đất nước nơi ông từng có bốn năm sinh sống thời niên thiếu. Tổng thống Mỹ đã tới Jakarta năm ngoái và dành nhiều thời gian cho các mối quan hệ cá nhân ở đây - điều mà ông có lẽ khó có thể thực hiện trong chuyến công du lần này. Ông đã khởi đầu chuyến đi bằng một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế ở Honolulu và kết thúc khi rời Bali hôm thứ bảy.
Trong khi ở Bali, Obama đặt mục tiêu mở rộng quan hệ thương mại và tìm kiếm nhiều cơ hội xuất khẩu với châu Á - khu vực đang tăng trưởng nhanh chóng, tìm cách thúc đẩy mối liên quan giữa các chuyến công du nước ngoài của mình và vấn đề việc làm Mỹ với một cuộc bầu cử sắp tới gần. Không phổ biến vũ khí hạt nhân, cứu trợ thiên tai, an ninh hàng hải là những ưu tiên khác.
Nhưng sau tất cả, "cái bóng" Trung Quốc trở nên lớn hơn.
Trung tâm chuyến thăm của ông Obama tới Australia là tuyên bố về một thỏa thuận quân sự mới, sẽ cho phép sự hiện diện nhiều hơn của máy bay quân sự Mỹ cũng như thủy quân lục chiến Mỹ ở Australia, một động thái được xem là "đối phó" với Trung Quốc tuy rằng bị phủ nhận.
Tại Bali, ông Obama sẽ gặp gỡ thêm nhiều đồng minh mong muốn có sự ủng hộ của Mỹ khi vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông - vùng biển Mỹ từng tuyên bố có lợi ích quốc gia - ngày càng nóng hổi.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã ký tuyên bố với người đồng nhiệm Philippines kêu gọi những cuộc hội đàm đa phương để giải quyết các tranh chấp hàng hải kiểu như ở Biển Đông.
Bà Clinton nói rằng, Mỹ, trong hội nghị thượng đỉnh Đông Á, chắc chắn sẽ tham dự những cuộc hội đàm cởi mở và thẳng thắn, bao gồm cả các thách thức hàng hải trong khu vực. Hôm thứ ba, Bắc Kinh tuyên bố phản đối việc đưa vấn đề Biển Đông ra trước hội nghị thượng đỉnh.
Chưa rõ là vấn đề tranh chấp sẽ được thảo luận công khai thế nào, nhưng quan chức Mỹ đã nhanh chóng nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông, với trị giá 1,2 nghìn tỉ USD trong thương mại Mỹ hàng năm. Đô đốc Robert Willard, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ nói với báo giới, đây là vùng biển "có lợi ích sống còn với khu vực, một lợi ích quốc gia của Mỹ, một khu vực có giá trị thương mại lớn và một vùng mà chúng ta phải duy trì an ninh hàng hải cũng như hòa bình".
Thái An (theo AP)
Nguồn : Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét