“ CÁM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY, TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐẺ YÊU THƯƠNG "

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Luyện tập gõ ngón chân

Tập cho khỏe vốn có nhiều
Nên chọn một kiểu, tập đều thường xuyên
Gõ ngón chân, kiểu dễ làm
Một vị trưởng lão nước Hàn làm qua

Người ta quá bảy chục già
Cổ chân, đầu gối thường là yếu suy
Đi lại lỡ ngã thì nguy
Tập gõ chân, lại tức thì trẻ ra:
Mắt tinh, óc tỉnh, hết già,
Phản xạ nhanh nhậy như là thanh niên

Bài này cứ tập thường xuyên
Trong nhà, lúc rảnh, chẳng phiền thời gian
Mười phút gõ được một ngàn
Nhiều, nhanh càng tốt, cứ làm cho chăm

Lúc đầu gõ khoảng một trăm
Quen rồi nâng đến hai trăm là vừa
Năm tháng sau thấy không thừa
Gõ liền nghìn cái cũng vừa sướng chân:

Ngồi, hai tay chống sau lưng,
Thân thẳng, buông lỏng, mà không cúi chùng,
Hai chân duỗi thẳng song song,
Hai gót là đế, hai bàn chân vuông,

Xòe cánh quạt mở hai bàn,
Rồi gõ hai ngón cái liền chạm nhau,
Mở càng rộng, tốc càng mau
Càng có hiệu quả sướng đầu ngón chân

Mở ra, dập lại nhiều lần
Lúc đầu miệng đếm được gần một trăm
Sau rồi cứ vậy làm chăm
Đủ mười phút tức được gần nghìn thôi.

Gõ ngón chân thực có lời:
Mạch máu dãn nở, máu thời lưu thông,
Hỏa khí trên não xuống dần,
Óc được tỉnh táo, sắc thần nhậy nhanh

Da dẻ cũng đẹp dần dần
Người già cải lão hoàn đồng, dẻo dai.
Tập này khuyên khắp mọi ai
Học sinh, trí thức , thường ngồi ghế lâu

Gõ ngón chân, thoáng cái đầu
Đi thi dễ đỗ, làm giàu dễ ra
Thường xuyên cứ tập trong nhà
Tránh được bệnh tật với là thuốc thang. 

Nguồn : LÝ HỌC PHƯƠNG ĐÔNG

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

MẮT LÁ


Lá còn xanh
Quả vẫn tươi non
Trái cấm địa đàng
Con chim thần ăn đâu quá nửa

Tôi
khách trần gian
lận đận suốt đời áo cơm vất vả
Một sáng đầu thu
chợt nhìn thấy quả

Khát
Thèm
Sống chết với tay
Mắt lá thơ ngây bỗng khóc…

Nửa trái cấm địa đàng
ứa ra một dòng sữa

Ngọt !

Nhầm vai

TT - Không kể các diễn viên nay đóng vai này mai đóng vai khác trên sân khấu hay trên phim ảnh, những người bình thường cũng đóng rất nhiều vai trong cuộc sống hằng ngày. Nếu diễn viên nhầm vai thì chỉ là sự cố nghề nghiệp, còn người có vai vế trong xã hội mà nhầm vai thì đó là sự cố cuộc đời rồi!
Một doanh nhân nam đứng lên đặt vấn đề với Thủ tướng “có định hướng gì và có lời khuyên gì cho doanh nghiệp chúng tôi, nên đầu tư vào đâu?”.
Một doanh nhân nữ đứng lên “đề nghị Thủ tướng và các cơ quan tham mưu trực thuộc Chính phủ sớm có những biện pháp hữu hiệu để giúp đỡ các doanh nghiệp”. Những câu hỏi ấy dễ làm cho người ta tưởng đó là những vấn đề đang được nêu ra tại hội nghị, hội thảo của giới doanh nhân, chứ không phải tại diễn đàn Quốc hội.
Thủ tướng đã không trả lời hai câu hỏi trên, theo Thủ tướng, vì không có thời gian. Thủ tướng chỉ có 30 phút trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội. Thủ tướng đã chọn trả lời về chủ quyền biển Đông, Luật biểu tình và khai thác khoáng sản. Rõ ràng ba vấn đề lớn này đáng để Thủ tướng ưu tiên trả lời hơn là dành “lời khuyên gì cho doanh nghiệp chúng tôi”.
Không ít cử tri thắc mắc: liệu đại biểu Quốc hội có nhầm vai hay không khi đặt câu hỏi với tư cách “doanh nghiệp chúng tôi”, chứ không phải “cử tri chúng tôi”. Lẽ ra các đại biểu dù là doanh nhân hay xuất thân từ bất kỳ ngành nghề nào cũng phải biết chức năng đầu tiên của đại biểu Quốc hội là chức năng đại diện.
Trước hết, người đại biểu phải nói lên tiếng nói của cử tri, tức phải thật sự vào vai người đại diện cho đồng bào đã bỏ phiếu cho mình. Văn phòng Quốc hội đã tổ chức không ít khóa tập huấn cho các đại biểu mới để chuẩn bị cho họ dấn thân làm đại biểu của dân và cũng để họ đừng nhầm, đừng quên vai đại diện cho dân.
Nếu các đại biểu lỡ nhầm vai có thể hiểu vì họ chưa quen với vai trò mới, tư cách mới. Nhưng nếu các đại biểu cố tình nhầm vai có nghĩa họ chỉ nghĩ đến mình, đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của số đông cử tri. Liệu cử tri có chấp nhận những đại biểu như vậy hay không? Tất nhiên là không! Và cử tri không khó phát hiện ra điều đó khi các phiên chất vấn tại Quốc hội đều diễn ra trước ống kính truyền hình, trước hàng triệu người đang theo dõi.
Quả thật trong đời mình khó có ai có thể đóng thành công được nhiều vai, từ vai trong nhà, trong dòng họ, trong cơ quan đến vai ngoài xã hội. Ngay cả diễn viên chuyên nghiệp cũng chỉ đóng một vai trong một thời gian ngắn mà nhiều khi phải đóng đi đóng lại nhiều lần mới đạt. Vậy thì tốt hơn hết mỗi người chỉ nên đóng thật đạt một vai chính của mình mà thôi!

Nguồn : TUỔI TRẺ

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Bộ trưởng Thăng, Điếu cày và phóng lợn


Cách đây chưa lâu, dư luận mạng ồn ào bàn tán sau khi clip "quần đùi đỏ dùng điếu cày giải quyết ùn tắc giao thông". Rất nhiều người đã vỗ tay, dù đây là hành vi có màu sắc bạo lực. Đôi khi, chỉ vì những nỗi bức xúc thường ngày, trong trường hợp này là chuyện ùn tắc, người ta dễ thông cảm cho ....những cái điếu cày.

Hôm qua, tai nạn giao thông- hoàn toàn không ngẫu nhiên, trở thành chủ đề chất vấn chính tại Quốc hội, dù rất ngẫu nhiên, chỉ ngay trước ngày Bộ trưởng Đinh La Thăng đăng đàn, trong một ngày 22-11, cả nước đã xảy ra 50 vụ TNGT, làm 41 người chết và 53 người bị thương. Chính Bộ trưởng Thăng đã dẫn số liệu có tới 11.929 đã chết vì tai nạn. 9.290 người khác bị thương trong chỉ một năm để: "So sánh với thảm hoạ sóng thần tại Nhật Bản" khi mà "Số người chết bằng 75%, số người bị thương bằng 156%”.

Bây giờ, tai nạn nhiều và ám ảnh đến mức không ngày nào là không có những dòng tin tang tóc, đẫm máu về tai nạn, và cái chết. Và Bộ trưởng có lý khi coi đó là một thảm họa, thậm chí một quốc nạn.

Kể từ khi Bridget Driscoll, một phụ nữ người Anh, được ghi nhận là nạn nhân đầu tiên chết vì tai nạn giao thông vào ngày 17-8- 1896, số người chết ngày càng nhiều. Ở Việt Nam, sau con số kỷ lục hơn 14.000 người chết vào năm 2007, 4 năm gần đây, năm nào số người chết cũng trên dưới 11.000 người. Hậu quả do TNGT xảy ra cũng ngày càng nặng. Nếu như năm 1995, cứ 2,8 vụ tai nạn mới làm tử vong 1 người thì đến năm 2010 chỉ với 1,2 vụ tai nạn giao thông đã có 1 người tử vong.

Lựa chọn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, một bộ trưởng Bộ Giao thông, khi tuyên chiến với tai nạn giao thông, và ùn tắc giao thông, vì thế, là một lựa chọn đúng và chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ, dù đáng lẽ đó phải được hiểu là trách nhiệm của Bộ trưởng.
Nhưng cái mà cử tri mà nhân dân cả nước quan tâm là Bộ trưởng sẽ làm thế nào để giảm sự tang tóc trong mỗi gia đình?

Một trong những đột phá của Bộ trưởng là về vấn đề hạ tầng giao thông. Bởi không phải ngẫu nhiên mà TNGT, và gắn liền với những con số thống kê rợn tóc gáy về số người chết, số người bị thương, tập chung chủ yếu ở các nước đang phát triển, nơi mà hạ tầng giao thông vừa thiếu, vừa yếu. Không khó để tìm ra câu trả lời ấn tượng nhất trong vô số những câu hô khẩu hiệu, trích nghị quyết: Sẽ kiên quyết thay thế các nhà thầu, các tư vấn giám sát, đặc biệt các BQL không đạt yêu cầu.
Có lẽ, đột phá- nếu có; biện pháp- nếu có, điểm nhấn- nếu có, ghi dấu ấn- nếu có, chính là việc ông sẽ rất sẵn sàng, rất quyết liệt- theo ngôn ngữ của báo chí là- "chém tướng", mà sự kiện "Sân bay Đà Nẵng" hay "Sài Gòn- Trung Lương" là những ví dụ điển hình.
Tại Lễ phát động “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu 2011 - 2020” của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam hôm 11-5, một PV đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GTVT, lúc đó là ông Hồ Nghĩa Dũng: "...đến bao giờ thì mọi người mới hết ám ảnh về TNGT, đặc biệt là TNGT thảm khốc?". Ông Dũng trả lời "Đến bao giờ người Nam mới hết ám ảnh về TNGT thì tôi không thể trả lời được".

Hôm qua, Bộ trưởng Thăng cũng tỏ ra xuất sắc không kém khi ông trả lời "Tôi chưa thể hứa bao giờ hết tắc đường". Nhưng chí ít, ông cũng hơn Bộ trưởng Dũng ở việc ông dám hứa, dám mạnh dạn đề ra chỉ tiêu sẽ giảm 5-10% số vụ tai nạn trong nhiệm kỳ Bộ trưởng. Dù có rất nhiều nghi hoặc trong việc phân định đây là một quyết định dũng cảm của một bộ trưởng dám nghĩ, dám làm, hoặc biểu hiện sự non nớt của một tân chính trị gia lần đầu "đi thi"- như chính Bộ trưởng Thăng nói thì dẫu sao, ông cũng đã làm điều mà những vị bộ trưởng "khôn ngoan" trước đây không bao giờ hứa hẹn.

Bản tin tối của VTV đã rất "thâm hiểm" khi đưa thông tin chỉ trong hai tiếng "đi thi", ông đã hô kiên quyết đến 10 lần, nhưng cũng 11 lần dùng từ "thông cảm".
Cũng cần phải nói thêm, giảm tai nạn, và nhất là giảm ùn tắc, hoàn toàn không đơn giản chỉ là việc trảm, hay dùng điếu cày. Bởi kiên quyết mà dùng điếu cày hay phóng lợn thì rất khó để thông cảm

Nguồn : ĐAOTUẤN

Phát ngôn Tuần Việt Nam: Quan trí và dấu ấn!


Nổi bật trong tuần này, có hai sự kiện đều liên quan đến …đám đông. Nhưng nó lại phản ánh cái tâm, cái tầm của cá nhân đại biểu Quốc hội. Nó cho thấy cả hỉ, nộ, ái, ố của một xã hội đang trên hành trình phát triển, từ tiểu nông đến văn minh hiện đại.
 
Nó tích tụ đủ thứ: Từ tư duy chiến lược về giao thông, tới quy hoạch đô thị manh mún, thiếu cái nhìn tổng thể. Từ tư duy tùy tiện, tiểu nông trong thực thi pháp luật tới thái độ nhờn phép nước của cả người thi hành công vụ, đến người dân. Chưa nói đến nạn tham nhũng, tham ô, thất thoát trong đầu tư các công trình hạ tầng, các dự án lớn nhỏ.

Biết mà... không biết?
Sự kiện thứ nhất: Đó là cuộc khẩu chiến về Luật Biểu tình tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Chỉ cần ngó cái tít bài viết trên ViêtNamNet, ngày 17/11/ 2011 người đọc giật nảy mình: "Tranh luận nảy lửa về Luật Biểu tình". Đúng là nảy lửa thật.
Nhân vật trung tâm của cuộc tranh luận ở đây là ông Hoàng Hữu Phước (đại biểu TP HCM), người đề nghị loại bỏ Luật Biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ QH khóa XIII; và ông Dương Trung Quốc (đại biểu tỉnh Đồng Nai), người ủng hộ có Luật Biểu tình.
Cả hai, cùng viện dẫn chuyện tự cổ chí kim, từ tây sang đông, từ quá khứ sang hiện tại để hoặc phủ nhận, hoặc chứng minh cần có Luật Biểu tình.
Nghị trường không chỉ nóng lên bởi hai phía tranh luận, mà ngay lập tức nó phả nhiệt lượng lên hàng loạt các báo cùng ngày hoặc tiếp đó: Hà Nội Mới (Luật biểu tình, những đòi hỏi từ thực tiễn), Tuổi Trẻ (Chưa cần Luật Biểu tình vì dân trí thấp?) Nhà báo và Công luận (Ai cần Luật Biểu tình?), Bee.net (Mong ông Hoàng Hữu Phước sửa lời)...
Công bằng mà nói, ông Dương Trung Quốc nhắc nhở ông Hoàng Hữu Phước, khi ám chỉ: Tôi không tán thành các đại biểu QH cứ nhân danh nhân dân. Tại diễn đàn QH chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, là chưa chính xác.
Bởi đã phát biểu tại nghị trường, đương nhiên đại biểu QH nào cũng phải nói tiếng nói của người dân- những cử tri đã chọn lựa và gửi gắm nơi mình.
Thế nhưng điều bất ngờ, sau ý kiến của đại biểu QH Hoàng Hữu Phước, dư luận xã hội trên các báo, trên các trang mạng lại phê phán, phản biện và thậm chí phản đối dữ dội ý kiến của ông này.
ĐB Hoàng Hữu Phước. Ảnh: Bình Minh

Đại diện cho tiếng nói nhân dân, mà lại bị số đông nhân dân phản ứng, bất bình và không đồng tình. Đó là hiện tượng lạ. Vì sao?
Đọc kỹ những kiến nghị của ông, người viết bài giật mình.
Khi khẳng định: Ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại Chính phủ nước mình...Việt Nam có cần cho cuộc biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay không...? ông Hoàng Hữu Phước thực chất đã sử dụng cách lập luận khá thâm, khoét sâu vào tâm lý vốn luôn nhạy cảm, cảnh giác của người lãnh đạo. Điều đó chỉ tạo thêm hố sâu ngăn cách nghi ngờ và định kiến giữa Nhà nước với nhân dân.
Người viết không bàn việc nên có hay không có Luật Biểu tình, bởi đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, rất khó khăn. Và hành trình của nó chắc chắn cần rất nhiều sự bàn thảo, tranh luận của các tầng lớp nhân dân, của Nhà nước, các ngành chức năng, của chính các đại biểu QH.
Nhưng cần thấy một điều, đất nước đang hướng tới đời sống sinh hoạt dân chủ văn minh, hội nhập thế giới hiện đại, có rất nhiều vấn đề dân sinh xã hội cần phải có luật pháp với những quy định và chế tài cụ thể điều chỉnh mọi hành vi, lối sống, kể cả quyền con người được bầy tỏ thái độ của mình một cách chính đáng.
Không phải ngẫu nhiên, có một câu nói đáng suy nghĩ: Càng có nhiều luật, con người càng tự do. Bởi không có luật, thì điều dễ nhận thấy, bất cứ vấn đề gì nảy sinh trong xã hội, cũng có thể gây hỗn loạn, nhiễu loạn.
Đó là một thực tế hiển nhiên và nhãn tiền. Trong khi xã hội chúng ta, như ông Hoàng Hữu Phước nhận xét, dân trí chưa cao. Dân trí chưa cao, càng cần có nhiều luật để hướng dẫn, điều chỉnh hành vi con người. Chứ không phải không quản lý được thì cấm, một cách quản lý hành chính quen thuộc lâu nay thể hiện sự bất lực.
Mặt khác, bản thân luật pháp khi ra đời, cũng khiến Nhà nước phải "tự hoàn thiện" mình, nâng mình lên, cả trình độ lẫn phương pháp lãnh đạo, giải quyết các tình huống thực tiễn, quản lý xã hội ngang tầm thời đại đó đòi hỏi.
Là một người dày dạn chính trường, nhạy cảm trước những biến động của xã hội- từ văn minh lúa nước, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải trả nhiều "học phí" trên hành trình phát triển- không phải ngẫu nhiên TT Nguyễn Tấn Dũng đề xuất Bộ Công an soạn thảo Luật Biểu tình.
Thế nên dù quan niệm khác, ông Hoàng Hữu Phước không thể phủ nhận một văn bản luật- cần có định lượng, định tính, có điều tra xã hội một cách khoa học- bằng những nhận xét đầy cảm tính, kiểu: Một số người dân ở TPHCM chửi rủa, thóa mạ những người biểu tình "chống đường lưỡi bò", vì bị họ làm tắc đường...Đó là cách tư duy hình thức, chủ quan, không phản ánh bản chất vấn đề.
Mặt khác, văn hóa nghị trường không cho phép một đại biểu của nhân dân dùng những ngôn từ đao to búa lớn diễu cợt người dân: Nói rồi nói mãi như thể nó (biểu tình) là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ. Và: Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh.
Dùng cụm từ ô danh, ông Hoàng Hữu Phước đã dung ngay quyền phát ngôn làm tổn thương và phủ nhận quyền hiến định của nhân dân đã được Điều 25, Chương III, Hiến pháp 1959 quy định.
Đương nhiên, với quan điểm khác hẳn, ông Dương Trung Quốc hết sức bất bình: Phát biểu như thế là xúc phạm đến chính người dân.
Chợt nhớ câu trả lời của ông Nguyễn Minh Hồng (đại biểu Nghệ An), với báo Đất Việt, người đề xuất Luật Nhà văn: Tôi cũng không biết vì sao cần có Luật Nhà văn. Tôi chỉ thực hiện lời hứa, còn cụ thể vì sao cần có luật này thì tôi chưa nghĩ ra". Một câu trả lời rất phiêu diêu, hệt ông chỉ là "liên lạc viên" chứ không phải là đại biểu nhân dân
Thế nên các đại biểu QH khi phát biểu giữa nghị trường, cứ tự tin là biết mà vẫn là... không biết!
Duy có một cụm từ ông Hoàng Hữu Phước nói khá chuẩn: Dân trí ta chưa cao! Dân trí chưa cao, nên "quan trí" cũng... chưa cao, làm cho các cử tri, nhân dân thất vọng.

Những dấu ấn cũ và dấu ấn mới!
Sự kiện thứ hai: Nổi bật không kém là phiên trả lời chất vấn sáng 23/11/2011 của Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng. Nói cách khác, đó cũng là kỳ thi vấn đáp đầu tiên của ông, sau ba tháng 10 ngày làm thành viên của Chính phủ.
Ông Đinh La Thăng vốn được coi là một "hiện tượng" nổi bật, bởi những phát ngôn ấn tượng và hành động thể hiện sự quyết liệt.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng

Dù vậy, những bất ổn của giao thông Việt Nam nói chung, tai nạn giao thông và ách tắc giao thông đô thị nói riêng lâu nay còn... nổi hơn. Đến nỗi bây giờ cũng được gọi là quốc nạn, khiến khởi đầu "kỳ thi vấn đáp" là dồn dập những câu chất vấn thuộc chủ đề này.
Có lẽ tâm lý quá căng thẳng, Tư lệnh Giao thông giống như một cậu học sinh trả lời vòng vo, đã khiến đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nửa đùa, nửa chê: "Cứ trả lời vòng vo thế, ai cũng làm bộ trưởng được"?
Còn khi trả lời báo chí sau chất vấn, ông Đinh La Thăng có ý nhắc nhở lại đại biểu QH rằng: "Bộ trưởng là do QH phê chuẩn chứ không phải ai cũng làm được Bộ trưởng. Chúng ta đang nói đến văn hóa giao thông thì cũng cần có văn hóa về chất vấn".
Văn hóa nghị trường vẫn tiếp tục được nhắc đến, tại kỳ họp QH lần này.
Nhưng nhìn vào thực tiễn, chỉ riêng góc độ giải quyết ách tắc giao thông đô thị, tai nạn giao thông, chưa nói đến toàn bộ lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường biển... ai cũng thấy rõ ràng Bộ trưởng Đinh La Thăng phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy.
Nó trở thành một dấu ấn đau xót trên cơ thể xã hội chúng ta, rất đáng buồn.
Mỗi chúng ta, từ các cựu Bộ trưởng Giao thông, Bộ Xây dựng, các quan chức quản lý Thủ đô Hà Nội, TP. HCM đến mỗi người dân thường hiện nay, đều có phần trách nhiệm?
Để cho diện mạo đô thị xấu xí và văn hóa giao thông thấp kém đến mức, một ký giả người Đức, đăng trên trang mạng Welt online Đức, bài báo "Giao thông Hà Nội - một sự điên rồ hoàn toàn bình thường". Và họ so sánh với nước Lào, đất nước Vạn tượng, để gọi Việt Nam là đất nước...vạn còi. Có sự xấu hổ nào hơn?
Có lẽ vì thế, mà hỗ trợ trách nhiệm với Bộ trưởng Đinh La Thăng, còn có các trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Xây dựng và Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư. Trong phần kết luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tất cả vấn đề của giao thông hiện nay, có cái gốc là quản lý Nhà nước yếu kém ở tất cả lĩnh vực liên quan đến giao thông, dẫn đến luật pháp không nghiêm và người dân nhờn luật.
Đó cũng là một dấu ấn quản lý đáng buồn khác.
Tháo gỡ quốc nạn giao thông, chắc chắn cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ Nhà nước, đến các ngành và nhất là chính quyền quản lý các đô thị. Nhưng xin Bộ trưởng Đinh La Thăng đừng quên, trong hệ thống đó, vai trò nòng cốt vẫn là ngành giao thông, do ông làm Tư lệnh.
Ngay cả tỷ lệ giảm 5-10% tai nạn giao thông của năm 2012, cũng là một câu hỏi thách đố. Mong manh giữa thành công và thất bại.
Cho dù được Chủ tịch QH đánh giá kết quả "thi vấn đáp" của Bộ trưởng Đinh La Thăng là rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, không tránh né. Nhưng nhân dân sẽ vẫn chấm điểm ông Đinh La Thăng ở thực tiễn.
Có lẽ bất kỳ một Bộ trưởng nào, dù nói ra hay không nói ra, đều muốn để lại được dấu ấn tốt trong chính lĩnh vực và nhiệm kỳ mình lãnh đạo.
Dấu ấn của giao thông, dấu ấn của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, quá bất cập, lúng túng và nặng nề.
Con người là nguồn lực phát triển xã hội, nhưng con người cũng là vật cản, vì những lợi ích.
Dấu ấn của Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ là gì đây? Để khỏi bị nửa đùa, nửa chê, không phải ở nghị trường mà ở nhân gian: Không thành công cũng thành...Thăng?

Tác giả : KỲ DUYÊN
Nguồn : TUANVIETNAMNET

Ông Dương Trung Quốc: “Nếu tôi là Bộ trưởng GD&ĐT…”


(VTC News) – Các ĐBQH bày tỏ sự hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhưng còn chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (ngày 24/11), một số ĐBQH nhận xét với báo chí về phần trả lời chất vấn của hai vị Bộ trưởng.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): “Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT…”

Ông Dương Trung Quốc: “Nếu tôi là Bộ trưởng GD&ĐT…”
ĐBQH Dương Trung Quốc (Ảnh: Kiều Minh) 
Bày tỏ nhận định của mình về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, vị ĐB có nhiều nhận xét sắc sảo này cho rằng, không thể buộc Bộ trưởng hứa ngay một điều gì cả, “vì ông chỉ là tư lệnh của một ngành, mà muốn xoay chuyển tình thế thì không chỉ một ngành mà làm được, ở đây còn là việc của cả bộ máy. Vấn đề là ông ấy sẽ chọn khâu nào, vấn đề nào, giải pháp đột phá nào”.

ĐB Dương Trung Quốc ví: “Nếu tôi là Bộ trưởng, trước mắt tôi sẽ tập trung vào giáo dục đại học, bởi bậc học này sẽ cho ra lò những… chiếc máy cái, máy cái bị lỗi thì lại sẽ tạo ra hàng loạt sản phẩm hỏng.

Tất nhiên, bậc học phổ thông cũng có rất nhiều vấn đề và mầm non cũng vậy, nhưng với thực lực của ta thì chưa thể khắc phục tất cả được”.

ĐB Quốc cũng thẳng thắn nếu là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì ĐB này sẽ không khuyến khích các cán bộ quản lý đi làm luận án Tiến sĩ nữa, để tập trung đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên đại học.

ĐB Ya Duck (Lâm Đồng): "Tôi chưa thỏa mãn..."

Thành viên của UB TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam chia sẻ chưa thỏa mãn với cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

“Không phải chỉ riêng cá nhân tôi mà nhiều ĐBQH khác cũng chưa hài lòng với cách trả lời vòng vo theo kiểu kéo dài thời gian và không rõ chủ đề của Bộ trưởng. Những câu trả lời của Bộ trưởng chủ yếu dựa vào các văn bản, Nghị định của Chính phủ và những vấn đề đó thì các ĐBQH đều đã rõ” – ĐB Ya Duck nói.

Dẫn chứng, ĐB Ya Duck cho rằng các ĐBQH nêu vấn đề tại sao cứ tổ chức dạy thêm, học thêm tràn lan và đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT nêu các giải pháp khắc phục tình trạng này, “nhưng Bộ trưởng không trả lời rõ ràng”.

Theo ĐB Ya Duck, nếu Bộ trưởng GD&ĐT trả lời thẳng vào vấn đề là tới đây Bộ G& ĐT sẽ kiên quyết không cho dạy thêm, học thêm và giao cho Sở GD& ĐT các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố ý vi phạm thì “trả lời như vậy là đủ và không còn ý kiến nào thắc mắc được!”.

ĐB Ya Duck cho rằng, trước khi Bộ trưởng trả lời chất vấn phải có sự kiểm tra thật kỹ dưới cơ sở xem họ làm được gì và còn tồn tại gì, tháo gỡ ra sao, chứ cứ ngồi một chỗ chờ cấp dưới báo cáo mà không nắm vững những khó khăn ở cơ sở, đến khi ĐBQH hỏi một đằng, Bộ trưởng trả lời một nẻo thì “chất vấn sẽ không có hiệu quả”.

ĐB Đào Trọng Thi (Hà Nội): "Bộ trưởng trả lời chưa được tập trung"

Ông Dương Trung Quốc: “Nếu tôi là Bộ trưởng GD&ĐT…”
ĐBQH Đào Trọng Thi
(Ảnh: Kiều Minh) 
Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT “hơi lúng túng khi đăng đàn”, theo đó khi Bộ trưởng GD&ĐT nghe các câu hỏi thì chưa khái quát lại được nên trả lời chưa đúng trọng tâm.

“Tôi cũng phải nói rằng, chất lượng các câu hỏi chất vấn Bộ trưởng cũng không tốt, dẫn đến Bộ trưởng trả lời chưa được tập trung. Về các giải pháp mang tính chất đột phá và căn cơ để giải quyết những tồn tại của giáo dục hiện nay, Bộ trưởng chưa đưa ra được bởi đây là yêu cầu quá cao”.

Theo ĐB Đào Trọng Thi, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mà đưa ra được giải pháp thì rất tốt. Tuy nhiên, ĐB Thi cũng nhìn nhận, cần phải nhận xét Bộ trưởng GD&ĐT đã quan tâm đến vấn đề đó (giải pháp – PV) - đây là mục đích rất quan trọng của chất vấn.

ĐB Thi cũng cho rằng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã quan tâm chuẩn bị kỹ cho lần đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên này, “nhưng có thể do còn chưa có kinh nghiệm, nên Bộ trưởng đã có những lúng túng nhất định, gặp phải vấn đề phức tạp và các câu hỏi tản mạn thì Bộ trưởng lúng túng cũng là điều dễ hiểu”.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Đặt ở địa vị mình là người dân thì tôi có niềm tin vào vị Bộ trưởng Vương Đình Huệ

Theo ĐB Lê Thị Nga, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho thấy Bộ trưởng Huệ nắm rất chắc vấn đề, nói năng lưu loát và có thái độ trả lời chất vấn rất thẳng thắn và dứt khoát.

“Tôi đánh giá cao về cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vương Đình Huệ” – ĐB Nga nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB Nga, thái độ của Bộ trưởng Vương Đình Huệ trong việc điều hành giá xăng dầu cũng rất rõ ràng, “thử đặt ở địa vị mình là người dân thì tôi có niềm tin vào vị Bộ trưởng này” – ĐB Nga nói.

ĐB Nga cũng bày tỏ, với nội dung chất vấn về các khoản chi phí xăng dầu và những vấn đề liên quan đến lỗ, lãi của ngành điện, Bộ trưởng Tài chính đã trả lời thẳng “có kiểm toán rồi” nên ĐB này bày tỏ tin vào các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện việc đó.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Các Bộ trưởng đều đã đáp ứng được yêu cầu chất vấn

ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn rất kín kẽ, chặt chẽ.

“Theo tôi, phiên chất vấn hôm nay (24/11), Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời rất tốt các câu hỏi chất vấn vì đã chuẩn bị kỹ tài liệu để phục vụ yêu cầu chất vấn của Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trả lời chưa thật sát với câu hỏi chất vấn. Tuy nhiên, các Bộ trưởng đều đã đáp ứng được yêu cầu chất vấn của các ĐBQH và cử tri” – ĐB Thuyền nhận xét.

Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền thì chất vấn và trả lời chất vấn là những vấn đề rất quan trọng, nếu chất lượng câu hỏi chất vấn mà sâu sắc, sẽ giúp cho Bộ trưởng có sự suy nghĩ kỹ càng và đưa ra những quyết sách tốt hơn.

Nguồn : VTC 

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Tôi chưa thể hứa bao giờ hết tắc đường'


8h40 sáng nay, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng bắt đầu phần trả lời chất vấn tại Quốc hội.
"Là người trả lời đầu tiên nên tôi có lúng túng, mong các đại biểu, cử tri thông cảm. Coi như một cuộc thi, những bộ trưởng khác là người thi sau sẽ làm tốt hơn". Cả hội trường cười ồ trước sự thẳng thắn của vị tư lệnh ngành giao thông. Đến sáng nay, ông Thăng mới đảm nhận cương vị được 3 tháng 15 ngày. 

Đại biểu liên tục chất vấn Bộ trưởng Thăng. Ảnh: Hoàng Hà.

Đánh giá cao phong cách làm việc dám nghĩ dám làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng, tuy nhiên trước tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền yêu cầu người đứng đầu ngành giao thông cho biết giải pháp đột phá.
Theo ông Thăng, mấu chốt trong xử lý, giảm thiểu tai nạn giao thông là phải đầu tư, nâng cao hệ thống hạ tầng cho đồng bộ và hoàn chỉnh đường bộ, đường sắt, đường không và đường biển - đường thủy nội địa; tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhà nước. Hiện công tác quản lý nhà nước chưa tốt, xử lý thiếu kiên quyết dẫn đến người dân không chấp hành nghiêm pháp luật như đi lên vỉa hè, lấn làn. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có tiêu cực, để xảy ra mãi lộ...
Về ùn tắc tại 2 thành phố lớn, theo Bộ trưởng Giao thông, trách nhiệm chủ trì thuộc chính quyền địa phương. Dẫn ra đề xuất đổi giờ làm, ông Thăng phản bác ý kiến cho rằng đây là giải pháp chắp vá vì nó nằm trong tổng thể các giải pháp. Nếu chờ có đủ giải pháp mới thực hiện thì không bao giờ giải quyết được.
"Nếu chúng ta thực hiện nghiêm thì không thể có nhà cao tầng mọc lên ở nội thành, không thể có nhiều vỉa hè cho thuê giữ xe. Ùn tắc giao thông thì vai trò chính quyền địa phương, của ngành giao thông vận tải đi đầu, tiếp đến mới là ý thức người dân", ông Thăng nói.
Lấy 2012 là năm "Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn", Bộ trưởng Giao thông tiếp tục nêu các giải pháp chống ùn tắc ở Hà Nội, TP HCM như lòng đường vỉa hè phải dành cho giao thông; xây cầu vượt nhẹ, tăng chế tài xử phạt, nâng cao ý thức người dân; thực hiện thu phí phương tiện cá nhân...

dai bieu
Đại biểu Nguyễn Thị Khá chất vấn về sự xuống cấp của đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, phần trả lời dài 20 phút của Bộ trưởng Thăng chưa làm các đại biểu thỏa mãn. Bốn đại biểu đăng đàn tái chất vấn. "Tôi thông cảm với Bộ trưởng nhưng nếu trả lời lòng vòng thế thì ai cũng làm Bộ trưởng được. Xin Bộ trưởng nói rõ bao nhiêu năm thì giảm được tai nạn giao thông", đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu lại vấn đề.

Theo Bộ trưởng Thăng, tai nạn, ùn tắc là hệ quả của phát triển kinh tế xã hội, nhiều nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc cũng gặp phải. "Tai nạn giao thông sẽ phải giải quyết, còn bao giờ giảm hết, thì tôi chưa khẳng định được. Mỗi năm sẽ phấn đấu giảm 5-10% và cải thiện giao thông trong cả nước", ông Thăng chia sẻ.

Trước thực trạng "ùn tắc và tai nạn giao thông được coi là quốc nạn", đại biểu Danh Út chất vấn: "Dự án xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông quây tôn kín nhưng không thấy thi công, nhân dân đi lại khó khăn, hôm nào cũng tắc đường, kẹt xe. Xin hỏi vì sao công trình khởi công rồi nhưng lại không thi công?"

Với mong muốn "nâng điểm cho Bộ trưởng", đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đặt câu hỏi: "Một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông là do phương tiện cũ nát không đủ điều kiện hoạt động. Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này?"

Còn đại biểu Đỗ Văn Đương "khích": "Bộ trưởng có dám cam kết năm 2012-2013 sẽ xóa bỏ các điểm đen gây tai nạn? Tôi cho rằng nếu làm được điều này sẽ giảm được 20% số vụ tai nạn chứ không phải giảm 5-10% như dự kiến".

Chia sẻ bức xúc với đại biểu Danh Út, ông Thăng cho hay, tình trạng vừa đầu tư xây dựng mới, vừa phải khai thác hạ tầng giao thông nên gây ra khó khăn trong việc tham gia giao thông của người dân. "Ngành giao thông sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành công an và TP Hà Nội làm sao giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới người dân", người đứng đầu ngành giao thông cam kết.
Thừa nhận thực trạng tiêu cực trong kiểm soát, đăng kiểm phương tiện giao thông, dẫn đến tình trạng xe không đủ tiêu chuẩn vẫn được lưu thông, gây tai nạn như đại biểu Cương nêu, Bộ trưởng Thăng khẳng định sẽ kiểm điểm, cách chức người quản lý, "không thể chấp nhận việc vì lợi ích của một hoặc một nhóm người mà làm ảnh hưởng đến nhiều người khác".

Không trả lời thẳng vào câu hỏi của đại biểu Đương về "xóa điểm đen giao thông", ông Thăng cho hay sẽ phối hợp với các địa phương giảm điểm đen về tai nạn bằng cách phân luồng, phân làn, làm dải phân cách cứng để các xe tránh đối đầu. Đồng thời kiểm soát chặt bằng công nghệ mới, hiện đại đối với xe trọng tải lớn.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn sáng nay. Ảnh: Hoàng Hà.

Chủ đề nóng thứ hai trong phiên chất vấn sáng nay là chất lượng các công trình giao thông
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm còn đề nghị Bộ trưởng Thăng đưa ra giải pháp trước thực trạng: "Công trình đầu tư xây dựng cơ bản làm chậm, hỏng nhanh, trách nhiệm loanh quanh, khi hỏng Nhà nước phải bỏ tiền sửa, mất tiền 2 lần".
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thời gian tới với các công trình chậm, hỏng nhanh, thất thoát sẽ tập trung thúc đẩy chuẩn bị dự án có chất lượng và nhanh hơn, lựa chọn ban quản lý, tư vấn, nhà thầu tốt. Đặc biệt, cần công khai minh bạch để dân giám sát, thay thế kịp thời các nhà thầu, tư vấn thiết kết không đảm bảo yêu cầu.

Liên quan tới chất vấn về chất lượng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương của đại biểu Nguyễn Thị Khá, Bộ trưởng Thăng cập nhật ngay: "Sáng chủ nhật vừa rồi tôi vào kiểm tra, thấy chất lượng công trình không đảm bảo, nguyên nhân là ban quản lý yếu kém, tư vấn giám sát chưa đạt... nên tôi quyết định đình chỉ giám đốc điều hành, yêu cầu nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm, phải bỏ kinh phí thi công lại từ tháng 12. Nếu đường chưa đạt chất lượng, các nhà thầu phải tiếp tục chịu trách nhiệm bảo hành".

Từng có nhiều ý kiến khá gai góc khi là đại biểu HĐND Hà Nội, hôm nay, bà Bùi Thị An đi thẳng vào vấn đề: "Chất lượng công trình giao thông thấp do công nghệ hay do thất thoát, nếu thất thoát thì bao nhiêu phần trăm, trách nhiệm thuộc về ai? Bộ Giao thông có quy định tuổi thọ công trình không và có hay không việc bán thầu vì đây là vấn đề cốt lõi quyết định chất lượng công trình?".
Theo Bộ trưởng Thăng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình, không loại trừ thất thoát. Nhằm nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình, Bộ sẽ kiên quyết thay thế các nhà thầu không đảm bảo chất lượng, nhưng hiện Việt Nam không có quy định nào về dự báo tuổi thọ công trình. Thêm vào đó, ông đề nghị phải sửa Luật đấu thầu vì quy đinh hiện hành khiến không chọn được nhà thầu có năng lực thi công và khả năng tài chính.
"Tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự cảm thông, chia sẻ của mọi người để cùng có hệ thống giao thông hiện đại, đáp ứng sự mong mỏi của người dân và phát triển của đất nước", Bộ trưởng Đinh La Thăng kết thúc phần trả lời chất vấn.

Liên quan đến chủ đề giao thông, 3 bộ trưởng liên quan gồm Xây dựng, Công an, Kế hoạch đầu tư cũng đã có phần giải trình trước Quốc hội. Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân đầu tiên, cốt lõi khiến giao thông ùn tắc là tỷ đất dành cho giao thông ở Hà Nội và TP HCM quá thấp, chỉ khoảng 8%, trong khi tiêu chuẩn 22-24%; đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% trong khi tiêu chuẩn là 3-5%.

Bên cạnh đó là việc thiếu kiểm soát dân số cơ học ở đô thị lõi khiến mỗi km2 ở Hà Nội có tới 25.000 - 36.000 người, trong khi các thành phố nổi tiếng mật độ cao như Singapore, Hong Kong cũng chỉ 6.500 người... Tổ chức mạng lưới giao thông rất bất cập, các tuyến Bắc - Nam, Tây - Đông đều qua Hà Nội. Các đường xuyên tâm chậm đầu tư, thiếu giao thông ngầm, trên cao, các đô thị mới thiếu hạ tầng kỹ thuật, thiếu trường học, bệnh viện... dẫn đến giao thông con lắc, ách tắc.
Theo Bộ trưởng Dũng, vừa qua, Hà Nội và TP HCM đã mạnh dạn thực hiện các giải pháp ngắn hạn như phân luồng, phân làn, quản lý kiểm soát, giúp giảm ùn tắc. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn cho rằng: "Dự báo, những năm tới tình hình ùn tắc cải thiện không nhiều do tăng phương tiện cá nhân, thiếu vốn đầu tư hạ tầng".
Chốt lại phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông là "rõ ràng, đi thẳng vấn đề". 24 đại biểu đã chất vấn trực tiếp tại hội trường.
"Tai nạn giao thông đang điễn ra rất nghiêm trọng, có người gọi là thảm họa, người gọi là quốc nạn. Tôi tán thành lấy năm 2012 theo đề nghị của Bộ trưởng Giao thông làm năm thiết lập lại kỷ cương ngành giao thông nói chung, giảm 5-10% tai nạn giao thông mỗi năm", Chủ tịch Quốc hội chốt lại phiên chất vấn.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ giải trình việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt; giữ diện tích trồng lúa 3,8 triệu ha.

Nguồn : Vnexpress.net

Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tổ chức giải bóng đá mini lần thứ VI.

Sáng ngày 19/11/2011, tại sân vận động Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Viettel, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã phối hợp tổ chức Giải bóng đá mini Tổng Công ty lần thứ VI.
Đây là giải bóng đá thường niên của Transerco, là dịp tăng cường giao lưu đoàn kết trong toàn Tổng Công ty, là hoạt động thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe của cán bộ công nhân viên.
Tham dự giải lần này có 19 đội bóng chia làm 04 bảng đấu vòng tròn tính điểm chọn ra 8 đội thi đấu loại trực tiếp. 19 đội bóng đến từ các xí nghiệp, công ty thuộc Tổng Công ty. Giải sẽ diễn ra từ ngày 19/11 đến ngày 10/12/2011.
Một số hình ảnh của lễ khai mạc và những trận đấu đầu tiên của vòng bảng:

Nguồn : Transerco.com.vn 

 

Giọt mồ hôi bị nhục mạ


Dư luận đã phản ứng ngay lập tức, phản ứng dữ dội, thậm chí lên án là phản cảm ngay sau khi Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Phạm Lê Thanh bày tỏ sự đau lòng trước tình trạng "Lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng", rằng: Đó là một mức lương không thể sống được ở thành thị.

Tại sao một sự thông cảm của CEO một ngành, với sự nghèo khó của người lao động ngành mình, lại không nhận được sự thông cảm. Rất đơn giản là bởi đây là mới chỉ là lương "
để hạch toán vào giá thành điện". Bởi kêu nghèo, than khổ là để đòi tăng giá điện. Là bởi mỗi đồng tăng thêm của giá điện, mỗi hào tăng thêm trong đồng lương ngành điện đều móc trong túi nhân dân cả. Hơn nữa, sự khiếm nhã này không khác so với hồi năm 2008, khi EVN một mặt cũng kêu lỗ như bây giờ, một mặt xin trích thưởng 1.002 tỷ đồng.
Nhưng thành thị không phải chỉ toàn người của EVN. Và nếu lương 7,3 triệu của một ngành độc quyền như EVN không sống nổi thì các ngành khác, hay tệ hơn là hơn 11% dân số sống ở mức 400-500 ngàn/tháng, theo chuẩn nghèo, có còn được gọi là sống?
Một báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam công bố một tháng trước đây cho ra những thông số thảm hại: 73,4% người lao động có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng (dưới mức sống tối thiểu). Mức lương bình quân chỉ đủ đáp ứng 80%-90% nhu cầu dinh dưỡng để tái sản xuất sức lao động. Và đó là mức đủ để "mua" 56,7%-62,5%, mức sống tối thiểu thực tế.

Trong chính ngày CEO của EVN than vãn lương thấp, 19-11, báo chí, kể chuyện cô giáo Bùi Thị Luyến: "Tôi không hề muốn bỏ việc, bản thân có 29 năm gắn bó với lũ trẻ làng. Từ lúc đất nước còn khó khăn, chúng tôi phải nhận lương 3-4 kg gạo mỗi tháng. Nay lạm phát, giá cả tăng cao nhưng tôi cũng chỉ nhận khoản tiền lương trên 500.000 đồng/tháng, ngoài ra không có hỗ trợ gì khác nên đời sống rất bi đát".
15 ngàn đồng mỗi ngày cho 2 ca, 8 tiếng đứng rạc cẳng- lời tố khổ của một chế độ lương nhục mạ người lao động.
 
Ngày 17-11-2006, trong buổi gặp gỡ các nhà giáo nhân dân, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nói bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình. Đến năm 2008, Hội nghị TƯ 6 thống nhất chủ trương cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2012 theo hướng, bảo đảm cho công chức sống được bằng lương ở mức trung bình khá trong xã hội.
Nhưng đến tận bây giờ, khi năm 2011 sắp sửa kết thúc, vẫn còn những câu chuyện 15 ngàn đồng cho một ngày công giáo viên, CEO của EVN vẫn kết luận lương 7,3 triệu, mức đủ để đóng thuế thu nhập cao là "không sống nổi", và Quốc hội vẫn còn đang băn khoăn nghiên cứu làm sao để "Lương tổi thiểu phải bám sát đời sống tối thiểu", làm sao để lương theo nổi chỉ số giá. 

Thời bao cấp, đã có bài vè về lương, rằng:
Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.
Gần hai chục năm sau, lương- được dân gian hóa trong những clip theo điệu hip-hop, có câu:
Bắc thang lên hỏi ông trời.
Giá lương như thế, dân thời sống sao?
Ngẫm ra, ông Phạm Lê Thanh chỉ là nạn nhân vì những lời nói thật, một nạn nhân bất đắc dĩ gánh sự đàm tiếu chê trách mà những người làm lương, và quản lý giá, đáng lẽ phải gánh chịu.

Nguồn : ĐAOTUAN

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Điện lỗ, dân chịu

Khoản lỗ hơn 10.000 tỉ đồng của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) năm 2010 sẽ được hạch toán vào giá điện như phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đang khiến dư luận bức xúc.

Đây là lần đầu tiên Bộ Công thương công khai chuyện lỗ, lãi, giá thành sản xuất điện của EVN.

Nhưng cũng là lúc người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận việc điện chuẩn bị tăng giá. Trước đó, EVN cũng đã lên tiếng "đòi" tăng giá nhưng chưa được chấp thuận. Với việc "dọn đường" của Bộ Công thương như nói trên, tăng giá điện có lẽ đã rất gần. Không chỉ tăng giá, lần tăng này sẽ tăng mạnh khi khoản lỗ trên 10.000 tỉ đồng được hạch toán thẳng vào giá thành.

Điện tác động đến giá đầu vào của hầu hết các sản phẩm, dịch vụ. Giá điện tăng, hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng theo, lạm phát mà Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát, chắc chắn sẽ bị tác động. Tăng lương mới chỉ dừng lại ở khâu bàn bạc, thảo luận thì giá cả trên thị trường lại đứng trước nguy cơ tiếp tục bị đẩy lên theo giá điện. Câu chuyện lương lẽo đẽo theo giá, câu chuyện lợi ích ngành "đè" lợi ích chung của cả nền kinh tế... nói mãi vẫn thế.

Nhưng bức xúc hơn cả là việc người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả của việc làm ăn thua lỗ cho ngành điện. Nguyên nhân lỗ theo lý giải của Bộ Công thương là do giá thành điện cao hơn giá bán. Nhưng vì sao giá thành điện cao, năng lực quản lý, thất thoát, những dự án chậm tiến độ, công nghệ, máy móc... của EVN đóng góp bao nhiêu trong con số thua lỗ này, chưa được làm rõ. Nếu lỗ vì năng lực quản trị, doanh nghiệp phải gánh chịu, tại sao bắt người tiêu dùng phải gánh? Nhưng có lẽ cũng chẳng cần phải phân tích sâu xa đến vậy. Nghịch lý "quýt làm, cam chịu" thể hiện ngay trong việc sẽ hạch toán lỗ vào giá thành của EVN.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng lý giải rằng, EVN là doanh nghiệp kinh doanh nên lỗ phải hạch toán vào giá thành. Thử hỏi trên thị trường hiện nay, có ngành nào được quyền ung dung hạch toán lỗ vào giá thành như vậy? Nếu được quyền làm như vậy, chắc chắn không có chuyện gần 50.000 doanh nghiệp bị phá sản vì khó khăn trong 10 tháng đầu năm nay. Nếu cứ lỗ thì nâng giá, việc gì các công ty phải đau đầu với bài toán tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng, công suất... để vượt khó. Nếu có thể đẩy lỗ sang khách hàng, việc gì phải kêu gọi tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc nền kinh tế...

Sở dĩ EVN được làm và làm được việc này là nhờ vào sự độc quyền kinh doanh trên thị trường điện. Vị thế độc quyền khiến người mua điện phải chấp nhận cả những việc vô lý nhất, chịu thay khoản lỗ cho EVN. Càng vô lý hơn khi chúng ta thí điểm thị trường điện cạnh tranh, chúng ta khẳng định điện sẽ theo cơ chế thị trường nhưng lỗ thì hạch toán vào giá thành còn lãi, doanh nghiệp hưởng.

Nhưng khoản lỗ trên 10.000 tỉ đồng là chưa tính các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành; chưa tính lỗ, lãi tại các công ty cổ phần điện do EVN góp vốn; chênh lệch tỷ giá... Với sự độc quyền đang có, lại được "bật đèn xanh" từ cơ quan quản lý như nói trên, không loại trừ khả năng, người tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ tiếp tục gánh lỗ cho EVN khi "cơ chế công khai" được tiếp tục. 

Nguồn :Thanhnien,com

Việt Nam đoạt 96 HC vàng, đứng hạng ba toàn đoàn

Ngày thi đấu áp chót của SEA Games 26 đã chứng kiến những màn trình diễn cuối cùng của các đội tuyển. Chắc chắn đứng hạng ba chung cuộc, Việt Nam khép lại một ngày thành công với 96 HC vàng trên bảng tổng sắp.


Không có cơ hội đuổi kịp Thái Lan ở vị trí thứ hai, nhưng các VĐV còn lại của đoàn Việt Nam vẫn nỗ lực để giành những chiến thắng cuối cùng. Thêm một ngày thi đấu thành công nữa trôi qua khi các VĐV đã giành thêm 9 chức vô địch. Trong đó, wushu đứng đầu bảng với 3 HC vàng tán thủ. Không thành công ở các nội dung biểu diễn, đội tuyển wushu kịp cải thiện thành tích trong ngày thi đấu cuối và rời Indonesia với 4 HC vàng trong hành trang trở về.
Cờ vua cùng lặn đều giành mỗi môn hai HC vàng và gia nhập nhóm các đội đạt được 6 ngôi vô địch. Hai tấm HC vàng còn lại thuộc về aerobic và quyền anh.
Trong ngày hôm nay, sự cố VĐV Vũ Bá Đông bị mất HC vàng dù đạt điểm cao nhất là một điểm nóng. Một lần nữa, vấn đề trọng tài, "chia" huy chương tại SEA Games lại được xới lên, để lại những hạt sạn tại một Đại hội thể thao Đông Nam Á có quy mô lớn nhất trong lịch sử.
Với 96 HC vàng, 90 HC bạc, 100 HC đồng, đoàn Việt Nam chắc chắn đứng hạng ba chung cuộc. Ở phía trên Thái Lan đã kịp bứt một khoảng cách khá an toàn khi thời gian của Đại hội đã gần hết và họ hiện có 105 HC vàng, 94 HC bạc, 118 HC đồng.
Hôm nay, đoàn Indonesia đã đạt 170 HC vàng, 147 HC bạc, 136 HC đồng, bỏ xa các đoàn còn lại.
Diễn biến thi đấu chính trong ngày:
* Quyền anh: Ở hạng 81 kg, võ sĩ Lương Văn Toàn đã giành chức vô địch đầu tiên tại SEA Games 26 cho quyền anh Việt Nam.
* Lặn: Tối nay, các VĐV lặn tiếp tục giành thêm hai HC vàng. Ở nội dung 400m lặn vòi hơi chân vịt nữ, Trần Bảo Thư đã lao về nhất với thành tích 3'09''28.
Tiếp theo, ở nội dung đồng đội 400m nữ vòi hơi chân vịt, bộ tứ Nguyễn Thị Quỳnh, Trúc Linh, Huyền Trang, Kỳ Duyên đã hoàn thành bài thi một cách xuất sắc với thành tích 2'56"47 để giành HC vàng thứ 95 cho đoàn Việt Nam.
Nguyễn Thị Bích (áo đỏ) giành chiến thắng hạng 48 kg tán thủ nữ. Ảnh: Nam Hà.
Nguyễn Thị Bích (áo đỏ) giành chiến thắng hạng 48 kg tán thủ nữ. Ảnh: Nam Hà.
* Wushu: Thất bại trong các nội dung đối luyện (biểu diễn), nhưng ngay trong hai trận chung kết tán thủ (đối kháng) chiều nay, đội tuyển wushu Việt Nam đã có liên tiếp hai HC vàng.
Chiến thắng đầu tiên đến từ hạng cân 48 kg khi Nguyễn Thị Bích không gặp nhiều khó khăn để thắng Hla Hla Win trong trận chung kết. Ngay sau đó, Tân Thị Ly đã giành HC vàng thứ hai sau khi vượt qua đối thủ Philippines Mariane B Mariano.
Cú ăn ba đã khép lại ngày thi đấu thành công của các võ sĩ tán thủ sau khi Phan Văn Hậu thắng tiếp võ sĩ Benjie B.Rivera và giành HC vàng hạng 56 kg nam.
Bộ ba Nguyễn Tiến Phương, Vũ Bá Đông và Trần Thị Thu Hà. Ảnh: An Nhơn.

* Aerobic:
Trong buổi sáng nay, Việt Nam có wushu và aerobic được xem là hai điểm nóng nhất. Trong khi các võ sỹ wushu thi đấu không thành công, thì aerobic đã mang về tấm HC vàng đầu tiên ở nội dung ba người. Bộ ba Nguyễn Tiến Phương - Vũ Bá Đông - Trần Thị Thu Hà đã giành chiến thắng chung cuộc trước các đối thủ Thái Lan và Indonesia. Thành công này không ngoài dự đoán vì aerobic Việt Nam trong những năm gần đây luôn duy trì được sự ổn định về phong độ và thi đấu ngang ngửa ở nhiều giải Cúp thế giới.
Đặc biệt sự góp mặt của cặp Vũ Bá Đông - Trần Thị Thu Hà vốn giàu kỹ thuật và kinh nghiệm trên đấu trường quốc tế giúp đội tuyển aerobic Việt Nam tiếp tục duy trì được thành tích có "vàng" trên đấu trường SEA Games.
Các VĐV Phairach Thotkhamc - Nattawut Pimpa - Roypim Ngampeerapo (Thái Lan) giành HC bạc và bộ ba Faizal Amirullah - Lody - Tyana Dewi Koesuma (Indonesia) đoạt HC đồng.
Trước đó, ở nội dung đơn nam, Vũ Bá Đông giành HC bạc sau khi anh thua điểm trước tân vô địch người Thái Lan Nattawut Pimpa. Ở nội dung này, dàn tuyển thủ Thái Lan thi đấu khá tốt và họ giành thêm HC đồng với thành tích của Phairach Thotkhamc.
Đội tuyển cờ Vua Việt Nam giành thắng lợi rực rỡ.

* Cờ vua:
Bước vào ngày thi đấu hôm nay, hy vọng được dồn vào nữ kỳ thủ Nguyễn Thị Mai Hưng ở nội dung cờ tiêu chuẩn nữ. Dẫn đầu bảng ở ván bốn, nếu chiến thắng trong ván cuối, cô gái trẻ người Bắc Giang sẽ giành ngôi vô địch.
Ván năm diễn ra suôn sẻ khi Nguyễn Thị Mai Hưng thắng đối thủ Thái Lan Isawan Srijomtong, đạt 3 điểm chung cuộc. Huy chương vàng thứ 5 của đội tuyển cờ vua đã thuộc về Mai Hưng khi kỳ thủ Jose Rulp Ylem (Philippines) cũng đạt được 3 điểm nhưng thua hệ số phụ, đành nhận HC bạc.
Cú đúp trong ngày đã đến sau khi kỳ thủ Hoàng Thị Như Ý xuất sắc giành chiến thắng nội dung cờ chớp nữ. Ở ván bảy, Như Ý và Phạm Lê Thảo Nguyên dẫn đầu. Với lợi thế điểm rất cao, Như Ý ung dung hòa hai ván cuối, đạt 7 điểm và đăng quang. Phạm Lê Thảo Nguyên không giữ được vị trí thứ hai khi để thua một ván. Nhân dịp này, các đối thủ phía dưới đã kịp tích điểm và đẩy Thảo Nguyên khỏi tốp giành huy chương.
Niềm hy vọng ở nội dung cờ chớp nam Nguyễn Ngọc Trường Sơn thi đấu không thành công và chỉ giành HC bạc.
Dù vậy với 6 HC vàng, 2 HC bạc, 2 HC đồng giành được, đội tuyển cờ Vua đã giành thắng lợi tuyệt đối tại SEA Games năm nay. Hai tấm HCV còn lại trong tổng số 8 bộ huy chương môn này được chia cho Philippines và Indonesia. 

Nguồn : Vnexpress.net

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

NHỚ LÀNG


Ngày nào cũng mấy lần đi
Cổng làng giữa phố có gì lạ đâu
Sáng nay như thể lần đầu
Bần thần tôi đứng giờ lâu... Nhớ làng

Nhớ cha mẹ, nhớ họ hàng
Nhớ cô hàng xóm thường sang hỏi bài
Nhớ lần ngượng nóng bừng tai
Gặp bài toán khó giải hoài không ra

Làng giờ quá nửa đi xa
Cô hàng xóm cũng bôn ba xứ người
Chồng Tây, gặp chỉ biết cười
'Hello'!... Ánh mắt nhìn tươi cực kỳ

Mai sau biết sẽ là gì
Đường xưa tôi vẫn về, đi mỗi ngày
Cong cong dáng chiếc vai cày
Dẫu mang tên phố vẫn đầy nỗi quê.