“ CÁM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY, TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐẺ YÊU THƯƠNG "

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

VỢ CHỒNG NHÀ XUẤT BẢN

Hai vợ chồng cùng ngành xuất bản sách. Đêm tân hôn của họ thật thơ mộng. Họ nói với nhau đủ chuyện từ chuyện yêu đương gia đình, bè bạn, nghề nghiệp.

Anh chồng ôm vợ âu yếm rồi đọc thơ:
Sách mới cho nên phải đắt tiền
Chị vợ cùng nghề, nghe chồng đọc liền ứng khẩu đọc tiếp luôn:
Hôm nay xuất bản lần đầu tiên

Anh chồng ghì chặt vợ vào lòng mình đọc luôn câu thứ ba:
Anh còn tái bản nhiều lần nữa


Chị vợ sung sướng đọc câu thơ trong tiếng thở:
Em để cho anh giữ bản quyền

Vài năm sau:


Cô vợ đọc:
Sách đã cũ rồi phải không anh
Sao nay em thấy anh đọc nhanh
Không còn đọc kỹ như trước nữa
Để sách mơ thêm giấc mộng lành

Anh chồng ngâm:
Sách mới người ta thấy phát thèm
Sách mình cũ rích, chữ lem nhem
Gáy thì lỏng lẻo, bìa lem luốc
Đọc tới đọc lui, truyện cũ mèm


Cô vợ thanh minh:
Sách cũ nhưng mà chuyện nó hay
Đọc hoài vẫn thấy được bay bay
Đọc xong kiểu này, rồi kiểu khác
Nếu mà khám phá sẽ thấy hay

Anh chồng lầu bầu:
Đọc tới đọc lui mấy năm rồi
Cái bìa sao giống giấy gói xôi
Nội dung từng chữ thuộc như cháo
Nhìn vào hiệu sách, nuốt không trôi


Thằng hàng xóm hắng giọng sang:
Sách cũ nhưng mà tui chưa xem
Nhìn anh đọc miết thấy cũng thèm
Cũng tính hôm nào qua đọc lén
Liệu có trang nào anh chưa xem?

Hà Nội tăng phí cấp biển ôtô gấp 10 lần


Chiều 8/12, đại biểu HĐND Hà Nội đã thảo luận về đề xuất phí trông giữ xe máy, xe đạp và lệ phí trước bạ do UBND thành phố đề xuất.
Theo UBND Hà Nội, những năm gần đây phương tiện giao thông cá nhân (ôtô dưới 10 chỗ) tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông tăng chưa kịp đáp ứng gây ùn tắc giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm. Do đó, cần tăng một số loại phí để góp phần giảm ùn tắc giao thông, tăng thu ngân sách.

Cụ thể, Hà Nội đề xuất tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi lần đầu lên 20% (hiện nay là 12%), lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi vẫn giữ nguyên là 12%. Phí cấp biển ôtô dưới 10 chỗ không hoạt động kinh doanh vận tải là 20 triệu đồng (hiện nay là 2 triệu đồng). Phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số xe máy trị giá 15-40 triệu là 2 triệu đồng, xe máy trị giá trên 40 triệu đồng là 4 triệu đồng và giữ nguyên mức phí đối với xe máy dưới 15 triệu đồng là 500.000 đồng.

Cho rằng mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô hiện hành được xây dựng từ năm 2007 không còn phù hợp, UBND TP đề xuất phí trông giữ xe đạp ở các quận và huyện Từ Liêm là 2.000 đồng/lượt, cả tháng là 50.000 đồng (tăng 25.000 đồng); xe máy thu 3.000-5.000 đồng/lượt, theo tháng là 90.000 - 120.000 đồng (tăng 45.000 - 75.000 đồng). Trông giữ ôtô trong nội thành 30.000 - 40.000 đồng/lượt 120 phút, gửi tháng tối thiểu là 1,1 triệu đồng và tối đa là 4,5 triệu đồng.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam:
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: "Trông xe là hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận". Ảnh: Tiến Dũng.

Không đồng tình với báo cáo của UBND thành phố, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, trông xe là hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận nên nếu tăng phí trông giữ xe mà không tăng phí thuê hè, đường thì nên tạm dừng việc tăng phí này.
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Mạnh Hải nhìn nhận, trông giữ xe là vấn đề an sinh xã hội, lượng người sử dụng xe đạp, xe máy phần lớn có thu nhập thấp, có người một ngày phải gửi xe 5-6 lần nên nếu tăng phí trông xe sẽ làm tăng chi phí đáng kể của người dân.
"Hiện nay mức thu của các bãi trông giữ xe rất cao nên cần có chế tài quản lý. Phải yêu cầu niêm yết giá và nếu không thực hiện phải xử lý nghiêm", ông Hải nói.

Giải trình về vấn đề này, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, phí trông giữ xe đạp, xe máy tăng rất ít, chỉ 1.000- 2.000 đồng, trong khi trượt giá từ năm 2004 tới nay là 70%. "Thành phố rất kiên quyết rà soát các điểm trông giữ xe trái phép. Từ nay đến Tết sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra chặt các điểm trông xe có phép về vấn đề thu phí", vị đại diện nhấn mạnh.
Phản bác lại ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Thùy cho rằng, việc nói không tăng phí là không đúng bởi vé tháng tăng từ 45.000 lên 90.000 đồng, phí gửi xe nội thành tăng từ 2.000 đồng lên 5.000 đồng, và ngoại thành tăng từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng. Trong khi thu nhập của công chức chỉ hơn 2 triệu đồng, gửi xe ở chung cư đã hết 170.000- 200.000 đồng/tháng. Đặc biệt, gia đình có người ốm nằm viện phải gửi xe 5-6 lần mỗi ngày.
"Đề nghị cân nhắc phí trông giữ xe đạp, xe máy vì người dân không thể đi bộ trong khi chưa có phương tiện thay thế", nữ đại biểu chia sẻ.

UBND TP Hà Nội thừa nhận
Hà Nội đang quyết tâm hạn chế ôtô cá nhân. Ảnh: Hoàng Hà.

Trước đề xuất tăng phí trước bạ đối với ôtô dưới 9 chỗ lên 20% để giảm ùn tắc giao thông, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng điều này không công bằng đối với những người đăng ký biển 30 vì người ngoại tỉnh vẫn đi ôtô vào Hà Nội làm việc. Hơn nữa, nếu tăng lệ phí có thể xảy ra tình trạng người Hà Nội đăng ký nhờ ở tỉnh khác, gây thất thu cho ngân sách thành phố và ông đề nghị tăng đối đa 15%. Đại biểu Vũ Mạnh Hải cũng cho hay, nếu tăng lệ phí trước bạ, nhiều người sẽ không đăng ký xe ở Hà Nội.

Giải trình về vấn đề này, đại diện UBND thành phố khẳng định, việc tăng lệ phí trước bạ chỉ nhằm vào xe dưới 9 chỗ ngồi nhằm hạn chế xe du lịch. "Tôi có xe nhưng nếu đăng ký ngoại tỉnh thì tôi cũng không muốn. Cá biệt cũng sẽ có người sang tỉnh khác đăng ký nhưng không phải phần lớn".
Không đồng ý với giải trình trên, Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội Nguyễn Hoài Nam tiếp tục tranh luận: "Tôi cảm nhận việc ban hành chính sách này không công bằng, đánh giá tác động hơi chủ quan. Thành phố phải huy động các nhà khoa học xem có giải pháp hạn chế ôtô cá nhân hiệu quả hơn".

Để làm rõ ý kiến của các đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện trung bình cứ 13 người dân Hà Nội có 1 giấy phép lái xe ôtô và 3,5 người dân có một giấy phép lái xe máy; chỉ riêng khu vực vành đai 3 đã có hơn 360.000 giấy phép lái xe ôtô. "Họ không phải làm bằng lái để chơi. Và việc tăng lệ phí trước bạ là giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông", ông Hùng nói.
Khẳng định quan điểm rằng phí trông giữ xe đạp, xe máy gần như không tăng còn phí trông giữ ôtô thì tăng cao, Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cho hay quy định mức thu hiện nay quá thấp nên các điểm trông xe đều thu tùy tiện, thành phố khó quản lý. "Nếu không nâng giá, người trông xe vẫn thu tăng lên. Do vậy, nếu tăng phí này Hà Nội sẽ điều tiết để tăng thu cho ngân sách", ông Tưởng chia sẻ.
Sau phần thảo luận gay gắt, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất tăng lệ phí trước bạ, phí trông giữ ôtô trên địa bàn, nhưng không thông qua đề xuất tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy, giữ nguyên mức phí như hiện nay.


Tiến Dũng
Nguồn : Vnexpress.net

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Đặc nhiệm 141 “quân pháp bất vị thân”

Tổ Y

Gần đây, dân chơi Hà Nội rỉ tai nhau “ngoài số 7 Thiền Quang (trụ sở cơ quan cảnh sát hình sự) thấy 141 ở đâu thì liệu đường mà né”. Đó là họ đang nói đến lực lượng đặc biệt 141 của Công an Hà Nội, được thành lập theo kế hoạch 141 về tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng điều khiển mô tô, xe máy, lạng lách, đánh võng, chở người sai quy định, có dấu hiệu phạm tội hình sự như tàng trữ vũ khí khi tham gia giao thông, chống người thi hành công vụ, của Công an Hà Nội.

Năm tổ công tác đặc biệt (phiên hiệu từ Y1 - Y5) được thành lập với sự tham gia của cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông và cảnh sát hình sự. Các tổ này ngoài việc được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, còn được phép sử dụng biện pháp hóa trang để tiến hành kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm.


Trong những ngày giữa đông, chúng tôi đã có dịp theo chân các tổ công tác Y. 16 giờ 20 phút, tại ngã tư Lê Duẩn - Đào Duy Anh, giữa dòng người xuôi ngược đông như mắc cửi, tổ Y1 do trung tá Nguyễn Đức Trung, Đội phó đội CSGT số 1, làm tổ trưởng phát hiện nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm, điều khiển chiếc xe Wave không mang biển kiểm soát với nhiều nghi vấn. Từ “mật lệnh” của tổ trưởng được phát qua bộ đàm, ba mũi trinh sát hóa trang lập tức áp sát đối tượng. Nghi ngờ có “biến”, đối tượng quay ngoắt đầu xe, rồ ga tháo chạy nhưng đã bị hai cảnh sát khống chế dẫn về cho đồng đội mang sắc phục xử lý. Kiểm tra cốp xe Wave, tổ công tác phát hiện 1 khẩu súng với 4 viên đạn. Tại trụ sở Phòng CSHS, danh tính đối tượng được làm rõ: Trương Quý Dương (SN 1980, ngụ ở Trần Thế Xương, Trúc Bạch, Ba Đình).

19 giờ, tổ Y2 do trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội phó đội CSGT số 2, làm tổ trưởng chốt chặn tại ngã năm Yên Phụ - Thanh Niên, phát hiện hai anh em Trương Huy Cường (SN 1980, 3 tiền án) và Trương Huy Mạnh (SN 1978, 2 tiền án) đều cùng trú tại P.Quốc Tử Giám, Q.Đống Đa đi trên một chiếc xe Wave màu đen không đội mũ bảo hiểm có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh dừng xe. Tiến hành kiểm tra, Y2 phát hiện trong cốp xe có vam phá khóa đa năng và một khẩu súng. Lập tức Cường và Mạnh được đưa về Phòng CSHS. Tại trụ sở, hai đối tượng khai nhận, buổi chiều cùng ngày, tại đường Trần Hưng Đạo, cả hai đã cùng trộm chiếc xe máy mang BKS 29E1-122.85 của anh Vũ Đức Thành (SN 1987, trú tại Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Cường và Mạnh cũng khai nhận đang trên đường đi liên hệ bán chiếc xe thì bị tổ công tác bắt giữ.

Theo các tổ công tác Y khá sát, nhưng cánh báo chí cũng rất khó nắm được lịch trình của họ. Theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP, việc triển khai lực lượng 141 được tiến hành tại các địa bàn phức tạp và được điều nghiên kỹ lưỡng trước, các điểm trực chốt hoặc tuần tra liên tục thay đổi tạo thế bị động cho đối tượng vi phạm.

Quân pháp bất vị thân


“Trong suốt hơn 4 tháng thực hiện kế hoạch 141, chúng tôi gặp không ít lần đối tượng vi phạm tự xưng là con cháu ông này, bà nọ nhằm được bỏ qua. Tuy nhiên, quán triệt tinh thần chỉ đạo, bất cứ đối tượng nào vi phạm đều bị xử lý, con cháu công an thì xử lý phải càng nghiêm”, trung tá Thiều Mạnh Ngọc, tổ trưởng tổ Y2, cho biết.

Tại khu vực ngã tư Hàng Khay (Q.Hoàn Kiếm), đối tượng Nguyễn Chí Linh (SN 1994, ở P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ), sau khi bị lực lượng 141 khống chế vì hành vi “chống đối người thi hành công vụ” thì lập tức lớn tiếng thách thức: “Làm sao? Tôi là cháu chú Nhanh đây” (trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP.Hà Nội - PV). Tuy nhiên, trước sự quyết liệt của tổ công tác, đối tượng đổi giọng xin tha.

Gần đây nhất, 0 giờ 15 ngày 4.12, khi yêu cầu dừng xe BMW mang BKS 30H9-3883, tổ Y5 phát hiện một khẩu súng Vantel màu đen đặt ngay trên hộc đựng đồ (giữa ghế lái và ghế phụ). Lái xe Nguyễn Khánh Hưng (SN 1984, ở Vị Xuyên, Bắc Quang, Hà Giang), hiện tạm trú tại số 5, ngách 16/64, ngõ 16 phố Hoàng Cầu, Hà Nội lớn tiếng tuyên bố sẽ gọi điện cho Phó thủ tướng, khi được hỏi về nguồn gốc khẩu súng. Ngay lập tức, Hưng được đưa về Phòng CSHS. Tại đây, Hưng khai nhận khẩu súng trên là do Bộ Công an cấp cho công ty tư vấn thiết kế xây dựng của Hưng. Nhưng tuyệt nhiên, Hưng không xuất trình được giấy phép sử dụng, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Người dân ủng hộ

Theo chủ trương ban đầu, kế hoạch 141 chỉ thực hiện trong vòng 3 tháng nhưng mới đây, Công an TP.Hà Nội đã quyết định tiếp tục duy trì lực lượng này ít nhất là qua tết Nguyên đán. Đánh giá về tính hiệu quả của lực lượng 141, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho biết qua sơ kết 3 tháng, các tổ công tác đặc biệt đã kiểm tra, xử lý gần 5.000 trường hợp vi phạm, trong đó có gần 500 vụ có dấu hiệu phạm tội hình sự; thu giữ gần 400 tang vật như: súng quân dụng, súng tự chế, bình xịt hơi cay, dao, kiếm cùng nhiều loại ma túy và các phương tiện gây án; đồng thời phát hiện, tạm giữ nhiều đối tượng hình sự, có tiền án, tiền sự, nhiều đối tượng mắc tệ nạn xã hội và có cả đối tượng bị truy nã. “Kết quả quan trọng không chỉ là những con số nói trên mà cái chính là đã góp phần ngăn ngừa và chặn đứng các hành vi vi phạm, các vụ phạm pháp hình sự; và hơn thế là tình hình an ninh trật tự tại nơi công cộng từng bước được thiết lập chặt chẽ”, trung tướng Nhanh nói.

Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự TP.Hà Nội, cho biết trong những tháng gần đây, phạm pháp hình sự đã giảm xuống một cách rõ rệt, khoảng 10% tại các quận nội thành; hiện tượng thanh thiếu niên tụ tập lạng lách đua xe hầu như không còn.

Hoạt động của lực lượng 141 được người dân thủ đô rất ủng hộ và cần được nhân rộng. Tại nhiều chỗ có mặt của các tổ công tác, PV Thanh Niên từng chứng kiến nhiều người dân tự bỏ tiền mua cả nước trà đá, nhân trần đựng trong âu đem mời các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Thái Sơn - Minh Sang
Nguồn : Thanhnien

ĐIỀU ANH VỪA MỚI BIẾT


Một mét năm tư
đâu phải dáng thời này
Da mai mái
sao lại người Hà Nội ?

Giấu ánh nhìn đi
anh người có lỗi
Ngắm nhìn em trần trụi thế bao giờ

Mà em chỉ cười
Cười rất vô tư
Có ai biết điều anh vừa mới nghĩ ?

Sao em lại làm anh say đắm thế
Xa chưa ngày
nhớ đã cồn lên

Nếu bị chối từ
anh chắc thành điên

Tình yêu đến
đâu chỉ từ ánh mắt.

5 điều quan liêu về an toàn giao thông?

Qua hội nghị về ATGT, người viết bài vẫn thấy còn tồn tại 5 điều thể hiện sự bất cập, quan liêu
Mặc dù so sánh thuần tuý, hằng năm số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) chỉ bằng 1/6 số người chết do bệnh ung thư ở nước ta, nhưng con số đó không thể coi thường.
Vì những cái chết vô tội, vô ích không chỉ là vô lý, làm đau đớn người ruột thịt, mà còn cho thấy an toàn giao thông ở nước ta đang đầy bất ổn, làm thiệt hại về người đã đành, mà còn ảnh hưởng không ít tới năng suất và hiệu quả lao động xã hội.
Điều đó cho thấy vì sao Chính phủ quan tâm thành lập Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, hoạt động từ nhiều năm nay, được dư luận đồng tình.
Đặc biệt mới đây, ngày 28/11/2011, tân Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị về ATGT, được nhân dân chú ý theo dõi và hoan nghênh chủ trương, đề xuất các biện pháp xử án lưu động đối với người lái xe gây TNGT chết người, để tăng tính giáo dục răn đe.
Như không cấp lại phiếu kiểm soát lái xe (vì nếu cấp lại, vừa trái Luật Giao thông đường bộ; vừa lộn lại thời bao cấp, lạc hậu-lỗi thời), mà đối với người tài-xế chỉ cần có giấy phép lái xe hiện hành.
Rồi nghiêm cấm các quan chức can thiệp, xin xỏ... khi cơ quan chức năng xử lý người nhà, hoặc người thân quen (quan chức) vi phạm Luật Giao thông. Và không "tư giấy" về cơ quan người vi phạm...
Tuy nhiên qua hội nghị về ATGT, người viết bài vẫn thấy còn tồn tại 5 điều thể hiện sự bất cập, quan liêu:

Thứ nhất, thực tế đường sá nước ta chưa bảo đảm các chỉ tiêu kỹ thuật, các yếu tố hình học liên quan đến TNGT, do công việc thẩm định (kiểm toán) ATGT từ giai đoạn lập dự án đầu tư, thiết kế đến giai đoạn thi công cầu đường bộ "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Nghĩa là chỉ tiến hành thẩm định gói gọn trong nội bộ ngành Giao thông vận tải (GTVT).
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) ngày đêm tuần tra kiểm soát trên các cung đường, cũng am hiểu nguyên nhân vì đâu dẫn đến những "điểm đen" TNGT.


Hiện trường một vụ tai nạn

Nhưng hội nghị lại không hề đề cập đến lực lượng CSGT được tham gia phối hợp với ngành GTVT trong công việc thẩm định (kiểm toán) ATGT (từ giai đoạn lập dự án, thiết kế, thi công). Chứ đến khi khai thác đường rồi, CSGT mới cùng với ngành GTVT bàn biện pháp "xóa điểm đen" TNGT thì đã trễ.
Vì thực tại hiện trường sẽ có những "điểm đen" không tài nào khắc phục nổi, nếu như không được thẩm định kỹ lưỡng từ trước.

Thứ hai, hội nghị nêu việc cấm xe ô tô tắc-xi lưu hành vào giờ cao điểm trong nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thử hỏi những người phụ nữ đến kỳ sinh nở, hay người dân không may phải đi cấp cứu (từ nhà) đến bệnh viện bằng phương tiện gì, trong khi xe cấp cứu-115 đang quá thiếu?
Liệu họ có thể đi cấp cứu bằng xe... ô tô buýt được không? Bởi vậy xe tắc-xi, có thể coi như một loại phương tiện giao thông công cộng-đối với người giàu và là "xe cấp cứu-115"- đối với quảng đại quần chúng nhân dân (nên không thể cấm lưu hành trong giờ cao điểm).

Thứ ba, Cũng theo quy định, chủ xe ô tô phải có số tài khoản 20 triệu VND trong ngân hàng, mới được lưu hành (xe ô tô), để khi lái xe vi phạm Luật Giao thông sẽ phạt- khấu trừ vào tài khoản. Song, nếu triển khai thực hiện sẽ không đơn giản chút nào.
Bởi vì thực tế thiếu gì số tài khoản "ma" và số tài khoản đã có những trường hợp "bỗng dưng" thay đổi từ phía ngân hàng. Do đó cơ quan chức năng phải xác minh qua hệ thống ngân hàng, mới biết chính xác số tài khoản của chủ xe.
Và việc khấu trừ tài khoản chủ xe (hoặc tài khoản của người lái xe) vi phạm Luật Giao thông, cơ quan chức năng cần quy định, theo dõi sát thời hạn- mốc thời gian thanh toán tiền phạt. Nếu quá hạn thanh toán, thì người vi phạm sẽ phải chịu lãi suất cộng dồn luỹ tiến. Chứ không cần quy định trong tài khoản phải có 20 triệu VND.

Thứ tư, nâng cao quá mức tiền phạt người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, so với Nghị định hiện hành (số 34/2010/ND-CP, ngày 02/4/2010 của TT Chính phủ), sẽ lợi bất cập hại. Cũng như việc quy định người vi phạm Luật Giao thông phải đến Kho bạc nhà nước để nộp tiền phạt (nhằm hạn chế tiêu cực mãi lộ).
Vì không phải trước đây cơ quan chức năng chưa nghĩ ra sáng kiến khấu trừ tiền phạt qua tài khoản ngân hàng (như nêu ở phần trên). Mà mặt khác, ở giai đoạn lúc bấy giờ, cơ quan chức năng muốn cố tình gây rườm rà, phiền toái (phải đến Kho bạc)... cho người vi phạm "cạch đến già", lần sau không dám vi phạm Luật Giao thông.
Nhưng rồi thực tế cho thấy lợi bất cập hại, dẫn đến một hiện tượng phổ biến: Người lái xe vi phạm sẵn sàng chia "lửa" số tiền phạt, đút lót CSGT nhằm né Kho bạc Nhà nước, vì sợ mất thời gian đi lại, và những lôi thôi về thủ tục hành chính.
Thế là, lại dẫn đến một hành vi vi phạm khác- hối lộ và nhận hối lộ, mà cả hai phía, người vi phạm, người thi hành công vụ, đều thỏa thuận ngầm che giấu cho nhau.

Thứ năm, về việc xử lý nạn đua xe trái phép. Quan trọng đối với cơ quan chức năng có tích cực ngăn chặn nạn này như CSGT thuộc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hay không?
Và khi đuổi bắt được các đối tượng, cơ quan chức năng có khách quan xác minh được đích cuộc đua xe ở đâu? Giải thưởng ra sao? Ai là người cầm đầu tổ chức cuộc đua xe trái phép?...
Để các đối tượng không thể chỉ nhận "đuổi nhau trên đường"- chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà phải thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật (điều 207 Bộ Luật Hình sự), với khung hình phạt cao nhất 20 năm tù. Như vậy mới có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn ngừa tệ đua xe trái phép trên đường giao thông công cộng, góp phần bảo đảm trật tự ATGT.


Nguồn : Tuanvietnamnet

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Luyện tập gõ ngón chân

Tập cho khỏe vốn có nhiều
Nên chọn một kiểu, tập đều thường xuyên
Gõ ngón chân, kiểu dễ làm
Một vị trưởng lão nước Hàn làm qua

Người ta quá bảy chục già
Cổ chân, đầu gối thường là yếu suy
Đi lại lỡ ngã thì nguy
Tập gõ chân, lại tức thì trẻ ra:
Mắt tinh, óc tỉnh, hết già,
Phản xạ nhanh nhậy như là thanh niên

Bài này cứ tập thường xuyên
Trong nhà, lúc rảnh, chẳng phiền thời gian
Mười phút gõ được một ngàn
Nhiều, nhanh càng tốt, cứ làm cho chăm

Lúc đầu gõ khoảng một trăm
Quen rồi nâng đến hai trăm là vừa
Năm tháng sau thấy không thừa
Gõ liền nghìn cái cũng vừa sướng chân:

Ngồi, hai tay chống sau lưng,
Thân thẳng, buông lỏng, mà không cúi chùng,
Hai chân duỗi thẳng song song,
Hai gót là đế, hai bàn chân vuông,

Xòe cánh quạt mở hai bàn,
Rồi gõ hai ngón cái liền chạm nhau,
Mở càng rộng, tốc càng mau
Càng có hiệu quả sướng đầu ngón chân

Mở ra, dập lại nhiều lần
Lúc đầu miệng đếm được gần một trăm
Sau rồi cứ vậy làm chăm
Đủ mười phút tức được gần nghìn thôi.

Gõ ngón chân thực có lời:
Mạch máu dãn nở, máu thời lưu thông,
Hỏa khí trên não xuống dần,
Óc được tỉnh táo, sắc thần nhậy nhanh

Da dẻ cũng đẹp dần dần
Người già cải lão hoàn đồng, dẻo dai.
Tập này khuyên khắp mọi ai
Học sinh, trí thức , thường ngồi ghế lâu

Gõ ngón chân, thoáng cái đầu
Đi thi dễ đỗ, làm giàu dễ ra
Thường xuyên cứ tập trong nhà
Tránh được bệnh tật với là thuốc thang. 

Nguồn : LÝ HỌC PHƯƠNG ĐÔNG

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

MẮT LÁ


Lá còn xanh
Quả vẫn tươi non
Trái cấm địa đàng
Con chim thần ăn đâu quá nửa

Tôi
khách trần gian
lận đận suốt đời áo cơm vất vả
Một sáng đầu thu
chợt nhìn thấy quả

Khát
Thèm
Sống chết với tay
Mắt lá thơ ngây bỗng khóc…

Nửa trái cấm địa đàng
ứa ra một dòng sữa

Ngọt !

Nhầm vai

TT - Không kể các diễn viên nay đóng vai này mai đóng vai khác trên sân khấu hay trên phim ảnh, những người bình thường cũng đóng rất nhiều vai trong cuộc sống hằng ngày. Nếu diễn viên nhầm vai thì chỉ là sự cố nghề nghiệp, còn người có vai vế trong xã hội mà nhầm vai thì đó là sự cố cuộc đời rồi!
Một doanh nhân nam đứng lên đặt vấn đề với Thủ tướng “có định hướng gì và có lời khuyên gì cho doanh nghiệp chúng tôi, nên đầu tư vào đâu?”.
Một doanh nhân nữ đứng lên “đề nghị Thủ tướng và các cơ quan tham mưu trực thuộc Chính phủ sớm có những biện pháp hữu hiệu để giúp đỡ các doanh nghiệp”. Những câu hỏi ấy dễ làm cho người ta tưởng đó là những vấn đề đang được nêu ra tại hội nghị, hội thảo của giới doanh nhân, chứ không phải tại diễn đàn Quốc hội.
Thủ tướng đã không trả lời hai câu hỏi trên, theo Thủ tướng, vì không có thời gian. Thủ tướng chỉ có 30 phút trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội. Thủ tướng đã chọn trả lời về chủ quyền biển Đông, Luật biểu tình và khai thác khoáng sản. Rõ ràng ba vấn đề lớn này đáng để Thủ tướng ưu tiên trả lời hơn là dành “lời khuyên gì cho doanh nghiệp chúng tôi”.
Không ít cử tri thắc mắc: liệu đại biểu Quốc hội có nhầm vai hay không khi đặt câu hỏi với tư cách “doanh nghiệp chúng tôi”, chứ không phải “cử tri chúng tôi”. Lẽ ra các đại biểu dù là doanh nhân hay xuất thân từ bất kỳ ngành nghề nào cũng phải biết chức năng đầu tiên của đại biểu Quốc hội là chức năng đại diện.
Trước hết, người đại biểu phải nói lên tiếng nói của cử tri, tức phải thật sự vào vai người đại diện cho đồng bào đã bỏ phiếu cho mình. Văn phòng Quốc hội đã tổ chức không ít khóa tập huấn cho các đại biểu mới để chuẩn bị cho họ dấn thân làm đại biểu của dân và cũng để họ đừng nhầm, đừng quên vai đại diện cho dân.
Nếu các đại biểu lỡ nhầm vai có thể hiểu vì họ chưa quen với vai trò mới, tư cách mới. Nhưng nếu các đại biểu cố tình nhầm vai có nghĩa họ chỉ nghĩ đến mình, đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của số đông cử tri. Liệu cử tri có chấp nhận những đại biểu như vậy hay không? Tất nhiên là không! Và cử tri không khó phát hiện ra điều đó khi các phiên chất vấn tại Quốc hội đều diễn ra trước ống kính truyền hình, trước hàng triệu người đang theo dõi.
Quả thật trong đời mình khó có ai có thể đóng thành công được nhiều vai, từ vai trong nhà, trong dòng họ, trong cơ quan đến vai ngoài xã hội. Ngay cả diễn viên chuyên nghiệp cũng chỉ đóng một vai trong một thời gian ngắn mà nhiều khi phải đóng đi đóng lại nhiều lần mới đạt. Vậy thì tốt hơn hết mỗi người chỉ nên đóng thật đạt một vai chính của mình mà thôi!

Nguồn : TUỔI TRẺ

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Bộ trưởng Thăng, Điếu cày và phóng lợn


Cách đây chưa lâu, dư luận mạng ồn ào bàn tán sau khi clip "quần đùi đỏ dùng điếu cày giải quyết ùn tắc giao thông". Rất nhiều người đã vỗ tay, dù đây là hành vi có màu sắc bạo lực. Đôi khi, chỉ vì những nỗi bức xúc thường ngày, trong trường hợp này là chuyện ùn tắc, người ta dễ thông cảm cho ....những cái điếu cày.

Hôm qua, tai nạn giao thông- hoàn toàn không ngẫu nhiên, trở thành chủ đề chất vấn chính tại Quốc hội, dù rất ngẫu nhiên, chỉ ngay trước ngày Bộ trưởng Đinh La Thăng đăng đàn, trong một ngày 22-11, cả nước đã xảy ra 50 vụ TNGT, làm 41 người chết và 53 người bị thương. Chính Bộ trưởng Thăng đã dẫn số liệu có tới 11.929 đã chết vì tai nạn. 9.290 người khác bị thương trong chỉ một năm để: "So sánh với thảm hoạ sóng thần tại Nhật Bản" khi mà "Số người chết bằng 75%, số người bị thương bằng 156%”.

Bây giờ, tai nạn nhiều và ám ảnh đến mức không ngày nào là không có những dòng tin tang tóc, đẫm máu về tai nạn, và cái chết. Và Bộ trưởng có lý khi coi đó là một thảm họa, thậm chí một quốc nạn.

Kể từ khi Bridget Driscoll, một phụ nữ người Anh, được ghi nhận là nạn nhân đầu tiên chết vì tai nạn giao thông vào ngày 17-8- 1896, số người chết ngày càng nhiều. Ở Việt Nam, sau con số kỷ lục hơn 14.000 người chết vào năm 2007, 4 năm gần đây, năm nào số người chết cũng trên dưới 11.000 người. Hậu quả do TNGT xảy ra cũng ngày càng nặng. Nếu như năm 1995, cứ 2,8 vụ tai nạn mới làm tử vong 1 người thì đến năm 2010 chỉ với 1,2 vụ tai nạn giao thông đã có 1 người tử vong.

Lựa chọn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, một bộ trưởng Bộ Giao thông, khi tuyên chiến với tai nạn giao thông, và ùn tắc giao thông, vì thế, là một lựa chọn đúng và chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ, dù đáng lẽ đó phải được hiểu là trách nhiệm của Bộ trưởng.
Nhưng cái mà cử tri mà nhân dân cả nước quan tâm là Bộ trưởng sẽ làm thế nào để giảm sự tang tóc trong mỗi gia đình?

Một trong những đột phá của Bộ trưởng là về vấn đề hạ tầng giao thông. Bởi không phải ngẫu nhiên mà TNGT, và gắn liền với những con số thống kê rợn tóc gáy về số người chết, số người bị thương, tập chung chủ yếu ở các nước đang phát triển, nơi mà hạ tầng giao thông vừa thiếu, vừa yếu. Không khó để tìm ra câu trả lời ấn tượng nhất trong vô số những câu hô khẩu hiệu, trích nghị quyết: Sẽ kiên quyết thay thế các nhà thầu, các tư vấn giám sát, đặc biệt các BQL không đạt yêu cầu.
Có lẽ, đột phá- nếu có; biện pháp- nếu có, điểm nhấn- nếu có, ghi dấu ấn- nếu có, chính là việc ông sẽ rất sẵn sàng, rất quyết liệt- theo ngôn ngữ của báo chí là- "chém tướng", mà sự kiện "Sân bay Đà Nẵng" hay "Sài Gòn- Trung Lương" là những ví dụ điển hình.
Tại Lễ phát động “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu 2011 - 2020” của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam hôm 11-5, một PV đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GTVT, lúc đó là ông Hồ Nghĩa Dũng: "...đến bao giờ thì mọi người mới hết ám ảnh về TNGT, đặc biệt là TNGT thảm khốc?". Ông Dũng trả lời "Đến bao giờ người Nam mới hết ám ảnh về TNGT thì tôi không thể trả lời được".

Hôm qua, Bộ trưởng Thăng cũng tỏ ra xuất sắc không kém khi ông trả lời "Tôi chưa thể hứa bao giờ hết tắc đường". Nhưng chí ít, ông cũng hơn Bộ trưởng Dũng ở việc ông dám hứa, dám mạnh dạn đề ra chỉ tiêu sẽ giảm 5-10% số vụ tai nạn trong nhiệm kỳ Bộ trưởng. Dù có rất nhiều nghi hoặc trong việc phân định đây là một quyết định dũng cảm của một bộ trưởng dám nghĩ, dám làm, hoặc biểu hiện sự non nớt của một tân chính trị gia lần đầu "đi thi"- như chính Bộ trưởng Thăng nói thì dẫu sao, ông cũng đã làm điều mà những vị bộ trưởng "khôn ngoan" trước đây không bao giờ hứa hẹn.

Bản tin tối của VTV đã rất "thâm hiểm" khi đưa thông tin chỉ trong hai tiếng "đi thi", ông đã hô kiên quyết đến 10 lần, nhưng cũng 11 lần dùng từ "thông cảm".
Cũng cần phải nói thêm, giảm tai nạn, và nhất là giảm ùn tắc, hoàn toàn không đơn giản chỉ là việc trảm, hay dùng điếu cày. Bởi kiên quyết mà dùng điếu cày hay phóng lợn thì rất khó để thông cảm

Nguồn : ĐAOTUẤN

Phát ngôn Tuần Việt Nam: Quan trí và dấu ấn!


Nổi bật trong tuần này, có hai sự kiện đều liên quan đến …đám đông. Nhưng nó lại phản ánh cái tâm, cái tầm của cá nhân đại biểu Quốc hội. Nó cho thấy cả hỉ, nộ, ái, ố của một xã hội đang trên hành trình phát triển, từ tiểu nông đến văn minh hiện đại.
 
Nó tích tụ đủ thứ: Từ tư duy chiến lược về giao thông, tới quy hoạch đô thị manh mún, thiếu cái nhìn tổng thể. Từ tư duy tùy tiện, tiểu nông trong thực thi pháp luật tới thái độ nhờn phép nước của cả người thi hành công vụ, đến người dân. Chưa nói đến nạn tham nhũng, tham ô, thất thoát trong đầu tư các công trình hạ tầng, các dự án lớn nhỏ.

Biết mà... không biết?
Sự kiện thứ nhất: Đó là cuộc khẩu chiến về Luật Biểu tình tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Chỉ cần ngó cái tít bài viết trên ViêtNamNet, ngày 17/11/ 2011 người đọc giật nảy mình: "Tranh luận nảy lửa về Luật Biểu tình". Đúng là nảy lửa thật.
Nhân vật trung tâm của cuộc tranh luận ở đây là ông Hoàng Hữu Phước (đại biểu TP HCM), người đề nghị loại bỏ Luật Biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ QH khóa XIII; và ông Dương Trung Quốc (đại biểu tỉnh Đồng Nai), người ủng hộ có Luật Biểu tình.
Cả hai, cùng viện dẫn chuyện tự cổ chí kim, từ tây sang đông, từ quá khứ sang hiện tại để hoặc phủ nhận, hoặc chứng minh cần có Luật Biểu tình.
Nghị trường không chỉ nóng lên bởi hai phía tranh luận, mà ngay lập tức nó phả nhiệt lượng lên hàng loạt các báo cùng ngày hoặc tiếp đó: Hà Nội Mới (Luật biểu tình, những đòi hỏi từ thực tiễn), Tuổi Trẻ (Chưa cần Luật Biểu tình vì dân trí thấp?) Nhà báo và Công luận (Ai cần Luật Biểu tình?), Bee.net (Mong ông Hoàng Hữu Phước sửa lời)...
Công bằng mà nói, ông Dương Trung Quốc nhắc nhở ông Hoàng Hữu Phước, khi ám chỉ: Tôi không tán thành các đại biểu QH cứ nhân danh nhân dân. Tại diễn đàn QH chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, là chưa chính xác.
Bởi đã phát biểu tại nghị trường, đương nhiên đại biểu QH nào cũng phải nói tiếng nói của người dân- những cử tri đã chọn lựa và gửi gắm nơi mình.
Thế nhưng điều bất ngờ, sau ý kiến của đại biểu QH Hoàng Hữu Phước, dư luận xã hội trên các báo, trên các trang mạng lại phê phán, phản biện và thậm chí phản đối dữ dội ý kiến của ông này.
ĐB Hoàng Hữu Phước. Ảnh: Bình Minh

Đại diện cho tiếng nói nhân dân, mà lại bị số đông nhân dân phản ứng, bất bình và không đồng tình. Đó là hiện tượng lạ. Vì sao?
Đọc kỹ những kiến nghị của ông, người viết bài giật mình.
Khi khẳng định: Ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại Chính phủ nước mình...Việt Nam có cần cho cuộc biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay không...? ông Hoàng Hữu Phước thực chất đã sử dụng cách lập luận khá thâm, khoét sâu vào tâm lý vốn luôn nhạy cảm, cảnh giác của người lãnh đạo. Điều đó chỉ tạo thêm hố sâu ngăn cách nghi ngờ và định kiến giữa Nhà nước với nhân dân.
Người viết không bàn việc nên có hay không có Luật Biểu tình, bởi đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, rất khó khăn. Và hành trình của nó chắc chắn cần rất nhiều sự bàn thảo, tranh luận của các tầng lớp nhân dân, của Nhà nước, các ngành chức năng, của chính các đại biểu QH.
Nhưng cần thấy một điều, đất nước đang hướng tới đời sống sinh hoạt dân chủ văn minh, hội nhập thế giới hiện đại, có rất nhiều vấn đề dân sinh xã hội cần phải có luật pháp với những quy định và chế tài cụ thể điều chỉnh mọi hành vi, lối sống, kể cả quyền con người được bầy tỏ thái độ của mình một cách chính đáng.
Không phải ngẫu nhiên, có một câu nói đáng suy nghĩ: Càng có nhiều luật, con người càng tự do. Bởi không có luật, thì điều dễ nhận thấy, bất cứ vấn đề gì nảy sinh trong xã hội, cũng có thể gây hỗn loạn, nhiễu loạn.
Đó là một thực tế hiển nhiên và nhãn tiền. Trong khi xã hội chúng ta, như ông Hoàng Hữu Phước nhận xét, dân trí chưa cao. Dân trí chưa cao, càng cần có nhiều luật để hướng dẫn, điều chỉnh hành vi con người. Chứ không phải không quản lý được thì cấm, một cách quản lý hành chính quen thuộc lâu nay thể hiện sự bất lực.
Mặt khác, bản thân luật pháp khi ra đời, cũng khiến Nhà nước phải "tự hoàn thiện" mình, nâng mình lên, cả trình độ lẫn phương pháp lãnh đạo, giải quyết các tình huống thực tiễn, quản lý xã hội ngang tầm thời đại đó đòi hỏi.
Là một người dày dạn chính trường, nhạy cảm trước những biến động của xã hội- từ văn minh lúa nước, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải trả nhiều "học phí" trên hành trình phát triển- không phải ngẫu nhiên TT Nguyễn Tấn Dũng đề xuất Bộ Công an soạn thảo Luật Biểu tình.
Thế nên dù quan niệm khác, ông Hoàng Hữu Phước không thể phủ nhận một văn bản luật- cần có định lượng, định tính, có điều tra xã hội một cách khoa học- bằng những nhận xét đầy cảm tính, kiểu: Một số người dân ở TPHCM chửi rủa, thóa mạ những người biểu tình "chống đường lưỡi bò", vì bị họ làm tắc đường...Đó là cách tư duy hình thức, chủ quan, không phản ánh bản chất vấn đề.
Mặt khác, văn hóa nghị trường không cho phép một đại biểu của nhân dân dùng những ngôn từ đao to búa lớn diễu cợt người dân: Nói rồi nói mãi như thể nó (biểu tình) là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ. Và: Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh.
Dùng cụm từ ô danh, ông Hoàng Hữu Phước đã dung ngay quyền phát ngôn làm tổn thương và phủ nhận quyền hiến định của nhân dân đã được Điều 25, Chương III, Hiến pháp 1959 quy định.
Đương nhiên, với quan điểm khác hẳn, ông Dương Trung Quốc hết sức bất bình: Phát biểu như thế là xúc phạm đến chính người dân.
Chợt nhớ câu trả lời của ông Nguyễn Minh Hồng (đại biểu Nghệ An), với báo Đất Việt, người đề xuất Luật Nhà văn: Tôi cũng không biết vì sao cần có Luật Nhà văn. Tôi chỉ thực hiện lời hứa, còn cụ thể vì sao cần có luật này thì tôi chưa nghĩ ra". Một câu trả lời rất phiêu diêu, hệt ông chỉ là "liên lạc viên" chứ không phải là đại biểu nhân dân
Thế nên các đại biểu QH khi phát biểu giữa nghị trường, cứ tự tin là biết mà vẫn là... không biết!
Duy có một cụm từ ông Hoàng Hữu Phước nói khá chuẩn: Dân trí ta chưa cao! Dân trí chưa cao, nên "quan trí" cũng... chưa cao, làm cho các cử tri, nhân dân thất vọng.

Những dấu ấn cũ và dấu ấn mới!
Sự kiện thứ hai: Nổi bật không kém là phiên trả lời chất vấn sáng 23/11/2011 của Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng. Nói cách khác, đó cũng là kỳ thi vấn đáp đầu tiên của ông, sau ba tháng 10 ngày làm thành viên của Chính phủ.
Ông Đinh La Thăng vốn được coi là một "hiện tượng" nổi bật, bởi những phát ngôn ấn tượng và hành động thể hiện sự quyết liệt.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng

Dù vậy, những bất ổn của giao thông Việt Nam nói chung, tai nạn giao thông và ách tắc giao thông đô thị nói riêng lâu nay còn... nổi hơn. Đến nỗi bây giờ cũng được gọi là quốc nạn, khiến khởi đầu "kỳ thi vấn đáp" là dồn dập những câu chất vấn thuộc chủ đề này.
Có lẽ tâm lý quá căng thẳng, Tư lệnh Giao thông giống như một cậu học sinh trả lời vòng vo, đã khiến đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nửa đùa, nửa chê: "Cứ trả lời vòng vo thế, ai cũng làm bộ trưởng được"?
Còn khi trả lời báo chí sau chất vấn, ông Đinh La Thăng có ý nhắc nhở lại đại biểu QH rằng: "Bộ trưởng là do QH phê chuẩn chứ không phải ai cũng làm được Bộ trưởng. Chúng ta đang nói đến văn hóa giao thông thì cũng cần có văn hóa về chất vấn".
Văn hóa nghị trường vẫn tiếp tục được nhắc đến, tại kỳ họp QH lần này.
Nhưng nhìn vào thực tiễn, chỉ riêng góc độ giải quyết ách tắc giao thông đô thị, tai nạn giao thông, chưa nói đến toàn bộ lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường biển... ai cũng thấy rõ ràng Bộ trưởng Đinh La Thăng phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy.
Nó trở thành một dấu ấn đau xót trên cơ thể xã hội chúng ta, rất đáng buồn.
Mỗi chúng ta, từ các cựu Bộ trưởng Giao thông, Bộ Xây dựng, các quan chức quản lý Thủ đô Hà Nội, TP. HCM đến mỗi người dân thường hiện nay, đều có phần trách nhiệm?
Để cho diện mạo đô thị xấu xí và văn hóa giao thông thấp kém đến mức, một ký giả người Đức, đăng trên trang mạng Welt online Đức, bài báo "Giao thông Hà Nội - một sự điên rồ hoàn toàn bình thường". Và họ so sánh với nước Lào, đất nước Vạn tượng, để gọi Việt Nam là đất nước...vạn còi. Có sự xấu hổ nào hơn?
Có lẽ vì thế, mà hỗ trợ trách nhiệm với Bộ trưởng Đinh La Thăng, còn có các trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Xây dựng và Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư. Trong phần kết luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tất cả vấn đề của giao thông hiện nay, có cái gốc là quản lý Nhà nước yếu kém ở tất cả lĩnh vực liên quan đến giao thông, dẫn đến luật pháp không nghiêm và người dân nhờn luật.
Đó cũng là một dấu ấn quản lý đáng buồn khác.
Tháo gỡ quốc nạn giao thông, chắc chắn cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ Nhà nước, đến các ngành và nhất là chính quyền quản lý các đô thị. Nhưng xin Bộ trưởng Đinh La Thăng đừng quên, trong hệ thống đó, vai trò nòng cốt vẫn là ngành giao thông, do ông làm Tư lệnh.
Ngay cả tỷ lệ giảm 5-10% tai nạn giao thông của năm 2012, cũng là một câu hỏi thách đố. Mong manh giữa thành công và thất bại.
Cho dù được Chủ tịch QH đánh giá kết quả "thi vấn đáp" của Bộ trưởng Đinh La Thăng là rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, không tránh né. Nhưng nhân dân sẽ vẫn chấm điểm ông Đinh La Thăng ở thực tiễn.
Có lẽ bất kỳ một Bộ trưởng nào, dù nói ra hay không nói ra, đều muốn để lại được dấu ấn tốt trong chính lĩnh vực và nhiệm kỳ mình lãnh đạo.
Dấu ấn của giao thông, dấu ấn của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, quá bất cập, lúng túng và nặng nề.
Con người là nguồn lực phát triển xã hội, nhưng con người cũng là vật cản, vì những lợi ích.
Dấu ấn của Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ là gì đây? Để khỏi bị nửa đùa, nửa chê, không phải ở nghị trường mà ở nhân gian: Không thành công cũng thành...Thăng?

Tác giả : KỲ DUYÊN
Nguồn : TUANVIETNAMNET

Ông Dương Trung Quốc: “Nếu tôi là Bộ trưởng GD&ĐT…”


(VTC News) – Các ĐBQH bày tỏ sự hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhưng còn chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (ngày 24/11), một số ĐBQH nhận xét với báo chí về phần trả lời chất vấn của hai vị Bộ trưởng.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): “Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT…”

Ông Dương Trung Quốc: “Nếu tôi là Bộ trưởng GD&ĐT…”
ĐBQH Dương Trung Quốc (Ảnh: Kiều Minh) 
Bày tỏ nhận định của mình về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, vị ĐB có nhiều nhận xét sắc sảo này cho rằng, không thể buộc Bộ trưởng hứa ngay một điều gì cả, “vì ông chỉ là tư lệnh của một ngành, mà muốn xoay chuyển tình thế thì không chỉ một ngành mà làm được, ở đây còn là việc của cả bộ máy. Vấn đề là ông ấy sẽ chọn khâu nào, vấn đề nào, giải pháp đột phá nào”.

ĐB Dương Trung Quốc ví: “Nếu tôi là Bộ trưởng, trước mắt tôi sẽ tập trung vào giáo dục đại học, bởi bậc học này sẽ cho ra lò những… chiếc máy cái, máy cái bị lỗi thì lại sẽ tạo ra hàng loạt sản phẩm hỏng.

Tất nhiên, bậc học phổ thông cũng có rất nhiều vấn đề và mầm non cũng vậy, nhưng với thực lực của ta thì chưa thể khắc phục tất cả được”.

ĐB Quốc cũng thẳng thắn nếu là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì ĐB này sẽ không khuyến khích các cán bộ quản lý đi làm luận án Tiến sĩ nữa, để tập trung đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên đại học.

ĐB Ya Duck (Lâm Đồng): "Tôi chưa thỏa mãn..."

Thành viên của UB TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam chia sẻ chưa thỏa mãn với cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

“Không phải chỉ riêng cá nhân tôi mà nhiều ĐBQH khác cũng chưa hài lòng với cách trả lời vòng vo theo kiểu kéo dài thời gian và không rõ chủ đề của Bộ trưởng. Những câu trả lời của Bộ trưởng chủ yếu dựa vào các văn bản, Nghị định của Chính phủ và những vấn đề đó thì các ĐBQH đều đã rõ” – ĐB Ya Duck nói.

Dẫn chứng, ĐB Ya Duck cho rằng các ĐBQH nêu vấn đề tại sao cứ tổ chức dạy thêm, học thêm tràn lan và đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT nêu các giải pháp khắc phục tình trạng này, “nhưng Bộ trưởng không trả lời rõ ràng”.

Theo ĐB Ya Duck, nếu Bộ trưởng GD&ĐT trả lời thẳng vào vấn đề là tới đây Bộ G& ĐT sẽ kiên quyết không cho dạy thêm, học thêm và giao cho Sở GD& ĐT các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố ý vi phạm thì “trả lời như vậy là đủ và không còn ý kiến nào thắc mắc được!”.

ĐB Ya Duck cho rằng, trước khi Bộ trưởng trả lời chất vấn phải có sự kiểm tra thật kỹ dưới cơ sở xem họ làm được gì và còn tồn tại gì, tháo gỡ ra sao, chứ cứ ngồi một chỗ chờ cấp dưới báo cáo mà không nắm vững những khó khăn ở cơ sở, đến khi ĐBQH hỏi một đằng, Bộ trưởng trả lời một nẻo thì “chất vấn sẽ không có hiệu quả”.

ĐB Đào Trọng Thi (Hà Nội): "Bộ trưởng trả lời chưa được tập trung"

Ông Dương Trung Quốc: “Nếu tôi là Bộ trưởng GD&ĐT…”
ĐBQH Đào Trọng Thi
(Ảnh: Kiều Minh) 
Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT “hơi lúng túng khi đăng đàn”, theo đó khi Bộ trưởng GD&ĐT nghe các câu hỏi thì chưa khái quát lại được nên trả lời chưa đúng trọng tâm.

“Tôi cũng phải nói rằng, chất lượng các câu hỏi chất vấn Bộ trưởng cũng không tốt, dẫn đến Bộ trưởng trả lời chưa được tập trung. Về các giải pháp mang tính chất đột phá và căn cơ để giải quyết những tồn tại của giáo dục hiện nay, Bộ trưởng chưa đưa ra được bởi đây là yêu cầu quá cao”.

Theo ĐB Đào Trọng Thi, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mà đưa ra được giải pháp thì rất tốt. Tuy nhiên, ĐB Thi cũng nhìn nhận, cần phải nhận xét Bộ trưởng GD&ĐT đã quan tâm đến vấn đề đó (giải pháp – PV) - đây là mục đích rất quan trọng của chất vấn.

ĐB Thi cũng cho rằng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã quan tâm chuẩn bị kỹ cho lần đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên này, “nhưng có thể do còn chưa có kinh nghiệm, nên Bộ trưởng đã có những lúng túng nhất định, gặp phải vấn đề phức tạp và các câu hỏi tản mạn thì Bộ trưởng lúng túng cũng là điều dễ hiểu”.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Đặt ở địa vị mình là người dân thì tôi có niềm tin vào vị Bộ trưởng Vương Đình Huệ

Theo ĐB Lê Thị Nga, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho thấy Bộ trưởng Huệ nắm rất chắc vấn đề, nói năng lưu loát và có thái độ trả lời chất vấn rất thẳng thắn và dứt khoát.

“Tôi đánh giá cao về cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vương Đình Huệ” – ĐB Nga nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB Nga, thái độ của Bộ trưởng Vương Đình Huệ trong việc điều hành giá xăng dầu cũng rất rõ ràng, “thử đặt ở địa vị mình là người dân thì tôi có niềm tin vào vị Bộ trưởng này” – ĐB Nga nói.

ĐB Nga cũng bày tỏ, với nội dung chất vấn về các khoản chi phí xăng dầu và những vấn đề liên quan đến lỗ, lãi của ngành điện, Bộ trưởng Tài chính đã trả lời thẳng “có kiểm toán rồi” nên ĐB này bày tỏ tin vào các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện việc đó.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Các Bộ trưởng đều đã đáp ứng được yêu cầu chất vấn

ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn rất kín kẽ, chặt chẽ.

“Theo tôi, phiên chất vấn hôm nay (24/11), Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời rất tốt các câu hỏi chất vấn vì đã chuẩn bị kỹ tài liệu để phục vụ yêu cầu chất vấn của Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trả lời chưa thật sát với câu hỏi chất vấn. Tuy nhiên, các Bộ trưởng đều đã đáp ứng được yêu cầu chất vấn của các ĐBQH và cử tri” – ĐB Thuyền nhận xét.

Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền thì chất vấn và trả lời chất vấn là những vấn đề rất quan trọng, nếu chất lượng câu hỏi chất vấn mà sâu sắc, sẽ giúp cho Bộ trưởng có sự suy nghĩ kỹ càng và đưa ra những quyết sách tốt hơn.

Nguồn : VTC 

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Tôi chưa thể hứa bao giờ hết tắc đường'


8h40 sáng nay, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng bắt đầu phần trả lời chất vấn tại Quốc hội.
"Là người trả lời đầu tiên nên tôi có lúng túng, mong các đại biểu, cử tri thông cảm. Coi như một cuộc thi, những bộ trưởng khác là người thi sau sẽ làm tốt hơn". Cả hội trường cười ồ trước sự thẳng thắn của vị tư lệnh ngành giao thông. Đến sáng nay, ông Thăng mới đảm nhận cương vị được 3 tháng 15 ngày. 

Đại biểu liên tục chất vấn Bộ trưởng Thăng. Ảnh: Hoàng Hà.

Đánh giá cao phong cách làm việc dám nghĩ dám làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng, tuy nhiên trước tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền yêu cầu người đứng đầu ngành giao thông cho biết giải pháp đột phá.
Theo ông Thăng, mấu chốt trong xử lý, giảm thiểu tai nạn giao thông là phải đầu tư, nâng cao hệ thống hạ tầng cho đồng bộ và hoàn chỉnh đường bộ, đường sắt, đường không và đường biển - đường thủy nội địa; tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhà nước. Hiện công tác quản lý nhà nước chưa tốt, xử lý thiếu kiên quyết dẫn đến người dân không chấp hành nghiêm pháp luật như đi lên vỉa hè, lấn làn. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có tiêu cực, để xảy ra mãi lộ...
Về ùn tắc tại 2 thành phố lớn, theo Bộ trưởng Giao thông, trách nhiệm chủ trì thuộc chính quyền địa phương. Dẫn ra đề xuất đổi giờ làm, ông Thăng phản bác ý kiến cho rằng đây là giải pháp chắp vá vì nó nằm trong tổng thể các giải pháp. Nếu chờ có đủ giải pháp mới thực hiện thì không bao giờ giải quyết được.
"Nếu chúng ta thực hiện nghiêm thì không thể có nhà cao tầng mọc lên ở nội thành, không thể có nhiều vỉa hè cho thuê giữ xe. Ùn tắc giao thông thì vai trò chính quyền địa phương, của ngành giao thông vận tải đi đầu, tiếp đến mới là ý thức người dân", ông Thăng nói.
Lấy 2012 là năm "Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn", Bộ trưởng Giao thông tiếp tục nêu các giải pháp chống ùn tắc ở Hà Nội, TP HCM như lòng đường vỉa hè phải dành cho giao thông; xây cầu vượt nhẹ, tăng chế tài xử phạt, nâng cao ý thức người dân; thực hiện thu phí phương tiện cá nhân...

dai bieu
Đại biểu Nguyễn Thị Khá chất vấn về sự xuống cấp của đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, phần trả lời dài 20 phút của Bộ trưởng Thăng chưa làm các đại biểu thỏa mãn. Bốn đại biểu đăng đàn tái chất vấn. "Tôi thông cảm với Bộ trưởng nhưng nếu trả lời lòng vòng thế thì ai cũng làm Bộ trưởng được. Xin Bộ trưởng nói rõ bao nhiêu năm thì giảm được tai nạn giao thông", đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu lại vấn đề.

Theo Bộ trưởng Thăng, tai nạn, ùn tắc là hệ quả của phát triển kinh tế xã hội, nhiều nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc cũng gặp phải. "Tai nạn giao thông sẽ phải giải quyết, còn bao giờ giảm hết, thì tôi chưa khẳng định được. Mỗi năm sẽ phấn đấu giảm 5-10% và cải thiện giao thông trong cả nước", ông Thăng chia sẻ.

Trước thực trạng "ùn tắc và tai nạn giao thông được coi là quốc nạn", đại biểu Danh Út chất vấn: "Dự án xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông quây tôn kín nhưng không thấy thi công, nhân dân đi lại khó khăn, hôm nào cũng tắc đường, kẹt xe. Xin hỏi vì sao công trình khởi công rồi nhưng lại không thi công?"

Với mong muốn "nâng điểm cho Bộ trưởng", đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đặt câu hỏi: "Một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông là do phương tiện cũ nát không đủ điều kiện hoạt động. Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này?"

Còn đại biểu Đỗ Văn Đương "khích": "Bộ trưởng có dám cam kết năm 2012-2013 sẽ xóa bỏ các điểm đen gây tai nạn? Tôi cho rằng nếu làm được điều này sẽ giảm được 20% số vụ tai nạn chứ không phải giảm 5-10% như dự kiến".

Chia sẻ bức xúc với đại biểu Danh Út, ông Thăng cho hay, tình trạng vừa đầu tư xây dựng mới, vừa phải khai thác hạ tầng giao thông nên gây ra khó khăn trong việc tham gia giao thông của người dân. "Ngành giao thông sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành công an và TP Hà Nội làm sao giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới người dân", người đứng đầu ngành giao thông cam kết.
Thừa nhận thực trạng tiêu cực trong kiểm soát, đăng kiểm phương tiện giao thông, dẫn đến tình trạng xe không đủ tiêu chuẩn vẫn được lưu thông, gây tai nạn như đại biểu Cương nêu, Bộ trưởng Thăng khẳng định sẽ kiểm điểm, cách chức người quản lý, "không thể chấp nhận việc vì lợi ích của một hoặc một nhóm người mà làm ảnh hưởng đến nhiều người khác".

Không trả lời thẳng vào câu hỏi của đại biểu Đương về "xóa điểm đen giao thông", ông Thăng cho hay sẽ phối hợp với các địa phương giảm điểm đen về tai nạn bằng cách phân luồng, phân làn, làm dải phân cách cứng để các xe tránh đối đầu. Đồng thời kiểm soát chặt bằng công nghệ mới, hiện đại đối với xe trọng tải lớn.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn sáng nay. Ảnh: Hoàng Hà.

Chủ đề nóng thứ hai trong phiên chất vấn sáng nay là chất lượng các công trình giao thông
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm còn đề nghị Bộ trưởng Thăng đưa ra giải pháp trước thực trạng: "Công trình đầu tư xây dựng cơ bản làm chậm, hỏng nhanh, trách nhiệm loanh quanh, khi hỏng Nhà nước phải bỏ tiền sửa, mất tiền 2 lần".
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thời gian tới với các công trình chậm, hỏng nhanh, thất thoát sẽ tập trung thúc đẩy chuẩn bị dự án có chất lượng và nhanh hơn, lựa chọn ban quản lý, tư vấn, nhà thầu tốt. Đặc biệt, cần công khai minh bạch để dân giám sát, thay thế kịp thời các nhà thầu, tư vấn thiết kết không đảm bảo yêu cầu.

Liên quan tới chất vấn về chất lượng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương của đại biểu Nguyễn Thị Khá, Bộ trưởng Thăng cập nhật ngay: "Sáng chủ nhật vừa rồi tôi vào kiểm tra, thấy chất lượng công trình không đảm bảo, nguyên nhân là ban quản lý yếu kém, tư vấn giám sát chưa đạt... nên tôi quyết định đình chỉ giám đốc điều hành, yêu cầu nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm, phải bỏ kinh phí thi công lại từ tháng 12. Nếu đường chưa đạt chất lượng, các nhà thầu phải tiếp tục chịu trách nhiệm bảo hành".

Từng có nhiều ý kiến khá gai góc khi là đại biểu HĐND Hà Nội, hôm nay, bà Bùi Thị An đi thẳng vào vấn đề: "Chất lượng công trình giao thông thấp do công nghệ hay do thất thoát, nếu thất thoát thì bao nhiêu phần trăm, trách nhiệm thuộc về ai? Bộ Giao thông có quy định tuổi thọ công trình không và có hay không việc bán thầu vì đây là vấn đề cốt lõi quyết định chất lượng công trình?".
Theo Bộ trưởng Thăng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình, không loại trừ thất thoát. Nhằm nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình, Bộ sẽ kiên quyết thay thế các nhà thầu không đảm bảo chất lượng, nhưng hiện Việt Nam không có quy định nào về dự báo tuổi thọ công trình. Thêm vào đó, ông đề nghị phải sửa Luật đấu thầu vì quy đinh hiện hành khiến không chọn được nhà thầu có năng lực thi công và khả năng tài chính.
"Tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự cảm thông, chia sẻ của mọi người để cùng có hệ thống giao thông hiện đại, đáp ứng sự mong mỏi của người dân và phát triển của đất nước", Bộ trưởng Đinh La Thăng kết thúc phần trả lời chất vấn.

Liên quan đến chủ đề giao thông, 3 bộ trưởng liên quan gồm Xây dựng, Công an, Kế hoạch đầu tư cũng đã có phần giải trình trước Quốc hội. Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân đầu tiên, cốt lõi khiến giao thông ùn tắc là tỷ đất dành cho giao thông ở Hà Nội và TP HCM quá thấp, chỉ khoảng 8%, trong khi tiêu chuẩn 22-24%; đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% trong khi tiêu chuẩn là 3-5%.

Bên cạnh đó là việc thiếu kiểm soát dân số cơ học ở đô thị lõi khiến mỗi km2 ở Hà Nội có tới 25.000 - 36.000 người, trong khi các thành phố nổi tiếng mật độ cao như Singapore, Hong Kong cũng chỉ 6.500 người... Tổ chức mạng lưới giao thông rất bất cập, các tuyến Bắc - Nam, Tây - Đông đều qua Hà Nội. Các đường xuyên tâm chậm đầu tư, thiếu giao thông ngầm, trên cao, các đô thị mới thiếu hạ tầng kỹ thuật, thiếu trường học, bệnh viện... dẫn đến giao thông con lắc, ách tắc.
Theo Bộ trưởng Dũng, vừa qua, Hà Nội và TP HCM đã mạnh dạn thực hiện các giải pháp ngắn hạn như phân luồng, phân làn, quản lý kiểm soát, giúp giảm ùn tắc. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn cho rằng: "Dự báo, những năm tới tình hình ùn tắc cải thiện không nhiều do tăng phương tiện cá nhân, thiếu vốn đầu tư hạ tầng".
Chốt lại phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông là "rõ ràng, đi thẳng vấn đề". 24 đại biểu đã chất vấn trực tiếp tại hội trường.
"Tai nạn giao thông đang điễn ra rất nghiêm trọng, có người gọi là thảm họa, người gọi là quốc nạn. Tôi tán thành lấy năm 2012 theo đề nghị của Bộ trưởng Giao thông làm năm thiết lập lại kỷ cương ngành giao thông nói chung, giảm 5-10% tai nạn giao thông mỗi năm", Chủ tịch Quốc hội chốt lại phiên chất vấn.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ giải trình việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt; giữ diện tích trồng lúa 3,8 triệu ha.

Nguồn : Vnexpress.net

Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tổ chức giải bóng đá mini lần thứ VI.

Sáng ngày 19/11/2011, tại sân vận động Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Viettel, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã phối hợp tổ chức Giải bóng đá mini Tổng Công ty lần thứ VI.
Đây là giải bóng đá thường niên của Transerco, là dịp tăng cường giao lưu đoàn kết trong toàn Tổng Công ty, là hoạt động thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe của cán bộ công nhân viên.
Tham dự giải lần này có 19 đội bóng chia làm 04 bảng đấu vòng tròn tính điểm chọn ra 8 đội thi đấu loại trực tiếp. 19 đội bóng đến từ các xí nghiệp, công ty thuộc Tổng Công ty. Giải sẽ diễn ra từ ngày 19/11 đến ngày 10/12/2011.
Một số hình ảnh của lễ khai mạc và những trận đấu đầu tiên của vòng bảng:

Nguồn : Transerco.com.vn