“ CÁM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY, TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐẺ YÊU THƯƠNG "

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

VỢ CHỒNG NHÀ XUẤT BẢN

Hai vợ chồng cùng ngành xuất bản sách. Đêm tân hôn của họ thật thơ mộng. Họ nói với nhau đủ chuyện từ chuyện yêu đương gia đình, bè bạn, nghề nghiệp.

Anh chồng ôm vợ âu yếm rồi đọc thơ:
Sách mới cho nên phải đắt tiền
Chị vợ cùng nghề, nghe chồng đọc liền ứng khẩu đọc tiếp luôn:
Hôm nay xuất bản lần đầu tiên

Anh chồng ghì chặt vợ vào lòng mình đọc luôn câu thứ ba:
Anh còn tái bản nhiều lần nữa


Chị vợ sung sướng đọc câu thơ trong tiếng thở:
Em để cho anh giữ bản quyền

Vài năm sau:


Cô vợ đọc:
Sách đã cũ rồi phải không anh
Sao nay em thấy anh đọc nhanh
Không còn đọc kỹ như trước nữa
Để sách mơ thêm giấc mộng lành

Anh chồng ngâm:
Sách mới người ta thấy phát thèm
Sách mình cũ rích, chữ lem nhem
Gáy thì lỏng lẻo, bìa lem luốc
Đọc tới đọc lui, truyện cũ mèm


Cô vợ thanh minh:
Sách cũ nhưng mà chuyện nó hay
Đọc hoài vẫn thấy được bay bay
Đọc xong kiểu này, rồi kiểu khác
Nếu mà khám phá sẽ thấy hay

Anh chồng lầu bầu:
Đọc tới đọc lui mấy năm rồi
Cái bìa sao giống giấy gói xôi
Nội dung từng chữ thuộc như cháo
Nhìn vào hiệu sách, nuốt không trôi


Thằng hàng xóm hắng giọng sang:
Sách cũ nhưng mà tui chưa xem
Nhìn anh đọc miết thấy cũng thèm
Cũng tính hôm nào qua đọc lén
Liệu có trang nào anh chưa xem?

Hà Nội tăng phí cấp biển ôtô gấp 10 lần


Chiều 8/12, đại biểu HĐND Hà Nội đã thảo luận về đề xuất phí trông giữ xe máy, xe đạp và lệ phí trước bạ do UBND thành phố đề xuất.
Theo UBND Hà Nội, những năm gần đây phương tiện giao thông cá nhân (ôtô dưới 10 chỗ) tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông tăng chưa kịp đáp ứng gây ùn tắc giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm. Do đó, cần tăng một số loại phí để góp phần giảm ùn tắc giao thông, tăng thu ngân sách.

Cụ thể, Hà Nội đề xuất tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi lần đầu lên 20% (hiện nay là 12%), lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi vẫn giữ nguyên là 12%. Phí cấp biển ôtô dưới 10 chỗ không hoạt động kinh doanh vận tải là 20 triệu đồng (hiện nay là 2 triệu đồng). Phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số xe máy trị giá 15-40 triệu là 2 triệu đồng, xe máy trị giá trên 40 triệu đồng là 4 triệu đồng và giữ nguyên mức phí đối với xe máy dưới 15 triệu đồng là 500.000 đồng.

Cho rằng mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô hiện hành được xây dựng từ năm 2007 không còn phù hợp, UBND TP đề xuất phí trông giữ xe đạp ở các quận và huyện Từ Liêm là 2.000 đồng/lượt, cả tháng là 50.000 đồng (tăng 25.000 đồng); xe máy thu 3.000-5.000 đồng/lượt, theo tháng là 90.000 - 120.000 đồng (tăng 45.000 - 75.000 đồng). Trông giữ ôtô trong nội thành 30.000 - 40.000 đồng/lượt 120 phút, gửi tháng tối thiểu là 1,1 triệu đồng và tối đa là 4,5 triệu đồng.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam:
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: "Trông xe là hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận". Ảnh: Tiến Dũng.

Không đồng tình với báo cáo của UBND thành phố, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, trông xe là hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận nên nếu tăng phí trông giữ xe mà không tăng phí thuê hè, đường thì nên tạm dừng việc tăng phí này.
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Mạnh Hải nhìn nhận, trông giữ xe là vấn đề an sinh xã hội, lượng người sử dụng xe đạp, xe máy phần lớn có thu nhập thấp, có người một ngày phải gửi xe 5-6 lần nên nếu tăng phí trông xe sẽ làm tăng chi phí đáng kể của người dân.
"Hiện nay mức thu của các bãi trông giữ xe rất cao nên cần có chế tài quản lý. Phải yêu cầu niêm yết giá và nếu không thực hiện phải xử lý nghiêm", ông Hải nói.

Giải trình về vấn đề này, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, phí trông giữ xe đạp, xe máy tăng rất ít, chỉ 1.000- 2.000 đồng, trong khi trượt giá từ năm 2004 tới nay là 70%. "Thành phố rất kiên quyết rà soát các điểm trông giữ xe trái phép. Từ nay đến Tết sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra chặt các điểm trông xe có phép về vấn đề thu phí", vị đại diện nhấn mạnh.
Phản bác lại ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Thùy cho rằng, việc nói không tăng phí là không đúng bởi vé tháng tăng từ 45.000 lên 90.000 đồng, phí gửi xe nội thành tăng từ 2.000 đồng lên 5.000 đồng, và ngoại thành tăng từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng. Trong khi thu nhập của công chức chỉ hơn 2 triệu đồng, gửi xe ở chung cư đã hết 170.000- 200.000 đồng/tháng. Đặc biệt, gia đình có người ốm nằm viện phải gửi xe 5-6 lần mỗi ngày.
"Đề nghị cân nhắc phí trông giữ xe đạp, xe máy vì người dân không thể đi bộ trong khi chưa có phương tiện thay thế", nữ đại biểu chia sẻ.

UBND TP Hà Nội thừa nhận
Hà Nội đang quyết tâm hạn chế ôtô cá nhân. Ảnh: Hoàng Hà.

Trước đề xuất tăng phí trước bạ đối với ôtô dưới 9 chỗ lên 20% để giảm ùn tắc giao thông, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng điều này không công bằng đối với những người đăng ký biển 30 vì người ngoại tỉnh vẫn đi ôtô vào Hà Nội làm việc. Hơn nữa, nếu tăng lệ phí có thể xảy ra tình trạng người Hà Nội đăng ký nhờ ở tỉnh khác, gây thất thu cho ngân sách thành phố và ông đề nghị tăng đối đa 15%. Đại biểu Vũ Mạnh Hải cũng cho hay, nếu tăng lệ phí trước bạ, nhiều người sẽ không đăng ký xe ở Hà Nội.

Giải trình về vấn đề này, đại diện UBND thành phố khẳng định, việc tăng lệ phí trước bạ chỉ nhằm vào xe dưới 9 chỗ ngồi nhằm hạn chế xe du lịch. "Tôi có xe nhưng nếu đăng ký ngoại tỉnh thì tôi cũng không muốn. Cá biệt cũng sẽ có người sang tỉnh khác đăng ký nhưng không phải phần lớn".
Không đồng ý với giải trình trên, Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội Nguyễn Hoài Nam tiếp tục tranh luận: "Tôi cảm nhận việc ban hành chính sách này không công bằng, đánh giá tác động hơi chủ quan. Thành phố phải huy động các nhà khoa học xem có giải pháp hạn chế ôtô cá nhân hiệu quả hơn".

Để làm rõ ý kiến của các đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện trung bình cứ 13 người dân Hà Nội có 1 giấy phép lái xe ôtô và 3,5 người dân có một giấy phép lái xe máy; chỉ riêng khu vực vành đai 3 đã có hơn 360.000 giấy phép lái xe ôtô. "Họ không phải làm bằng lái để chơi. Và việc tăng lệ phí trước bạ là giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông", ông Hùng nói.
Khẳng định quan điểm rằng phí trông giữ xe đạp, xe máy gần như không tăng còn phí trông giữ ôtô thì tăng cao, Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cho hay quy định mức thu hiện nay quá thấp nên các điểm trông xe đều thu tùy tiện, thành phố khó quản lý. "Nếu không nâng giá, người trông xe vẫn thu tăng lên. Do vậy, nếu tăng phí này Hà Nội sẽ điều tiết để tăng thu cho ngân sách", ông Tưởng chia sẻ.
Sau phần thảo luận gay gắt, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất tăng lệ phí trước bạ, phí trông giữ ôtô trên địa bàn, nhưng không thông qua đề xuất tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy, giữ nguyên mức phí như hiện nay.


Tiến Dũng
Nguồn : Vnexpress.net

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Đặc nhiệm 141 “quân pháp bất vị thân”

Tổ Y

Gần đây, dân chơi Hà Nội rỉ tai nhau “ngoài số 7 Thiền Quang (trụ sở cơ quan cảnh sát hình sự) thấy 141 ở đâu thì liệu đường mà né”. Đó là họ đang nói đến lực lượng đặc biệt 141 của Công an Hà Nội, được thành lập theo kế hoạch 141 về tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng điều khiển mô tô, xe máy, lạng lách, đánh võng, chở người sai quy định, có dấu hiệu phạm tội hình sự như tàng trữ vũ khí khi tham gia giao thông, chống người thi hành công vụ, của Công an Hà Nội.

Năm tổ công tác đặc biệt (phiên hiệu từ Y1 - Y5) được thành lập với sự tham gia của cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông và cảnh sát hình sự. Các tổ này ngoài việc được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, còn được phép sử dụng biện pháp hóa trang để tiến hành kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm.


Trong những ngày giữa đông, chúng tôi đã có dịp theo chân các tổ công tác Y. 16 giờ 20 phút, tại ngã tư Lê Duẩn - Đào Duy Anh, giữa dòng người xuôi ngược đông như mắc cửi, tổ Y1 do trung tá Nguyễn Đức Trung, Đội phó đội CSGT số 1, làm tổ trưởng phát hiện nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm, điều khiển chiếc xe Wave không mang biển kiểm soát với nhiều nghi vấn. Từ “mật lệnh” của tổ trưởng được phát qua bộ đàm, ba mũi trinh sát hóa trang lập tức áp sát đối tượng. Nghi ngờ có “biến”, đối tượng quay ngoắt đầu xe, rồ ga tháo chạy nhưng đã bị hai cảnh sát khống chế dẫn về cho đồng đội mang sắc phục xử lý. Kiểm tra cốp xe Wave, tổ công tác phát hiện 1 khẩu súng với 4 viên đạn. Tại trụ sở Phòng CSHS, danh tính đối tượng được làm rõ: Trương Quý Dương (SN 1980, ngụ ở Trần Thế Xương, Trúc Bạch, Ba Đình).

19 giờ, tổ Y2 do trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội phó đội CSGT số 2, làm tổ trưởng chốt chặn tại ngã năm Yên Phụ - Thanh Niên, phát hiện hai anh em Trương Huy Cường (SN 1980, 3 tiền án) và Trương Huy Mạnh (SN 1978, 2 tiền án) đều cùng trú tại P.Quốc Tử Giám, Q.Đống Đa đi trên một chiếc xe Wave màu đen không đội mũ bảo hiểm có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh dừng xe. Tiến hành kiểm tra, Y2 phát hiện trong cốp xe có vam phá khóa đa năng và một khẩu súng. Lập tức Cường và Mạnh được đưa về Phòng CSHS. Tại trụ sở, hai đối tượng khai nhận, buổi chiều cùng ngày, tại đường Trần Hưng Đạo, cả hai đã cùng trộm chiếc xe máy mang BKS 29E1-122.85 của anh Vũ Đức Thành (SN 1987, trú tại Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Cường và Mạnh cũng khai nhận đang trên đường đi liên hệ bán chiếc xe thì bị tổ công tác bắt giữ.

Theo các tổ công tác Y khá sát, nhưng cánh báo chí cũng rất khó nắm được lịch trình của họ. Theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP, việc triển khai lực lượng 141 được tiến hành tại các địa bàn phức tạp và được điều nghiên kỹ lưỡng trước, các điểm trực chốt hoặc tuần tra liên tục thay đổi tạo thế bị động cho đối tượng vi phạm.

Quân pháp bất vị thân


“Trong suốt hơn 4 tháng thực hiện kế hoạch 141, chúng tôi gặp không ít lần đối tượng vi phạm tự xưng là con cháu ông này, bà nọ nhằm được bỏ qua. Tuy nhiên, quán triệt tinh thần chỉ đạo, bất cứ đối tượng nào vi phạm đều bị xử lý, con cháu công an thì xử lý phải càng nghiêm”, trung tá Thiều Mạnh Ngọc, tổ trưởng tổ Y2, cho biết.

Tại khu vực ngã tư Hàng Khay (Q.Hoàn Kiếm), đối tượng Nguyễn Chí Linh (SN 1994, ở P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ), sau khi bị lực lượng 141 khống chế vì hành vi “chống đối người thi hành công vụ” thì lập tức lớn tiếng thách thức: “Làm sao? Tôi là cháu chú Nhanh đây” (trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP.Hà Nội - PV). Tuy nhiên, trước sự quyết liệt của tổ công tác, đối tượng đổi giọng xin tha.

Gần đây nhất, 0 giờ 15 ngày 4.12, khi yêu cầu dừng xe BMW mang BKS 30H9-3883, tổ Y5 phát hiện một khẩu súng Vantel màu đen đặt ngay trên hộc đựng đồ (giữa ghế lái và ghế phụ). Lái xe Nguyễn Khánh Hưng (SN 1984, ở Vị Xuyên, Bắc Quang, Hà Giang), hiện tạm trú tại số 5, ngách 16/64, ngõ 16 phố Hoàng Cầu, Hà Nội lớn tiếng tuyên bố sẽ gọi điện cho Phó thủ tướng, khi được hỏi về nguồn gốc khẩu súng. Ngay lập tức, Hưng được đưa về Phòng CSHS. Tại đây, Hưng khai nhận khẩu súng trên là do Bộ Công an cấp cho công ty tư vấn thiết kế xây dựng của Hưng. Nhưng tuyệt nhiên, Hưng không xuất trình được giấy phép sử dụng, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Người dân ủng hộ

Theo chủ trương ban đầu, kế hoạch 141 chỉ thực hiện trong vòng 3 tháng nhưng mới đây, Công an TP.Hà Nội đã quyết định tiếp tục duy trì lực lượng này ít nhất là qua tết Nguyên đán. Đánh giá về tính hiệu quả của lực lượng 141, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho biết qua sơ kết 3 tháng, các tổ công tác đặc biệt đã kiểm tra, xử lý gần 5.000 trường hợp vi phạm, trong đó có gần 500 vụ có dấu hiệu phạm tội hình sự; thu giữ gần 400 tang vật như: súng quân dụng, súng tự chế, bình xịt hơi cay, dao, kiếm cùng nhiều loại ma túy và các phương tiện gây án; đồng thời phát hiện, tạm giữ nhiều đối tượng hình sự, có tiền án, tiền sự, nhiều đối tượng mắc tệ nạn xã hội và có cả đối tượng bị truy nã. “Kết quả quan trọng không chỉ là những con số nói trên mà cái chính là đã góp phần ngăn ngừa và chặn đứng các hành vi vi phạm, các vụ phạm pháp hình sự; và hơn thế là tình hình an ninh trật tự tại nơi công cộng từng bước được thiết lập chặt chẽ”, trung tướng Nhanh nói.

Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự TP.Hà Nội, cho biết trong những tháng gần đây, phạm pháp hình sự đã giảm xuống một cách rõ rệt, khoảng 10% tại các quận nội thành; hiện tượng thanh thiếu niên tụ tập lạng lách đua xe hầu như không còn.

Hoạt động của lực lượng 141 được người dân thủ đô rất ủng hộ và cần được nhân rộng. Tại nhiều chỗ có mặt của các tổ công tác, PV Thanh Niên từng chứng kiến nhiều người dân tự bỏ tiền mua cả nước trà đá, nhân trần đựng trong âu đem mời các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Thái Sơn - Minh Sang
Nguồn : Thanhnien

ĐIỀU ANH VỪA MỚI BIẾT


Một mét năm tư
đâu phải dáng thời này
Da mai mái
sao lại người Hà Nội ?

Giấu ánh nhìn đi
anh người có lỗi
Ngắm nhìn em trần trụi thế bao giờ

Mà em chỉ cười
Cười rất vô tư
Có ai biết điều anh vừa mới nghĩ ?

Sao em lại làm anh say đắm thế
Xa chưa ngày
nhớ đã cồn lên

Nếu bị chối từ
anh chắc thành điên

Tình yêu đến
đâu chỉ từ ánh mắt.

5 điều quan liêu về an toàn giao thông?

Qua hội nghị về ATGT, người viết bài vẫn thấy còn tồn tại 5 điều thể hiện sự bất cập, quan liêu
Mặc dù so sánh thuần tuý, hằng năm số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) chỉ bằng 1/6 số người chết do bệnh ung thư ở nước ta, nhưng con số đó không thể coi thường.
Vì những cái chết vô tội, vô ích không chỉ là vô lý, làm đau đớn người ruột thịt, mà còn cho thấy an toàn giao thông ở nước ta đang đầy bất ổn, làm thiệt hại về người đã đành, mà còn ảnh hưởng không ít tới năng suất và hiệu quả lao động xã hội.
Điều đó cho thấy vì sao Chính phủ quan tâm thành lập Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, hoạt động từ nhiều năm nay, được dư luận đồng tình.
Đặc biệt mới đây, ngày 28/11/2011, tân Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị về ATGT, được nhân dân chú ý theo dõi và hoan nghênh chủ trương, đề xuất các biện pháp xử án lưu động đối với người lái xe gây TNGT chết người, để tăng tính giáo dục răn đe.
Như không cấp lại phiếu kiểm soát lái xe (vì nếu cấp lại, vừa trái Luật Giao thông đường bộ; vừa lộn lại thời bao cấp, lạc hậu-lỗi thời), mà đối với người tài-xế chỉ cần có giấy phép lái xe hiện hành.
Rồi nghiêm cấm các quan chức can thiệp, xin xỏ... khi cơ quan chức năng xử lý người nhà, hoặc người thân quen (quan chức) vi phạm Luật Giao thông. Và không "tư giấy" về cơ quan người vi phạm...
Tuy nhiên qua hội nghị về ATGT, người viết bài vẫn thấy còn tồn tại 5 điều thể hiện sự bất cập, quan liêu:

Thứ nhất, thực tế đường sá nước ta chưa bảo đảm các chỉ tiêu kỹ thuật, các yếu tố hình học liên quan đến TNGT, do công việc thẩm định (kiểm toán) ATGT từ giai đoạn lập dự án đầu tư, thiết kế đến giai đoạn thi công cầu đường bộ "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Nghĩa là chỉ tiến hành thẩm định gói gọn trong nội bộ ngành Giao thông vận tải (GTVT).
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) ngày đêm tuần tra kiểm soát trên các cung đường, cũng am hiểu nguyên nhân vì đâu dẫn đến những "điểm đen" TNGT.


Hiện trường một vụ tai nạn

Nhưng hội nghị lại không hề đề cập đến lực lượng CSGT được tham gia phối hợp với ngành GTVT trong công việc thẩm định (kiểm toán) ATGT (từ giai đoạn lập dự án, thiết kế, thi công). Chứ đến khi khai thác đường rồi, CSGT mới cùng với ngành GTVT bàn biện pháp "xóa điểm đen" TNGT thì đã trễ.
Vì thực tại hiện trường sẽ có những "điểm đen" không tài nào khắc phục nổi, nếu như không được thẩm định kỹ lưỡng từ trước.

Thứ hai, hội nghị nêu việc cấm xe ô tô tắc-xi lưu hành vào giờ cao điểm trong nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thử hỏi những người phụ nữ đến kỳ sinh nở, hay người dân không may phải đi cấp cứu (từ nhà) đến bệnh viện bằng phương tiện gì, trong khi xe cấp cứu-115 đang quá thiếu?
Liệu họ có thể đi cấp cứu bằng xe... ô tô buýt được không? Bởi vậy xe tắc-xi, có thể coi như một loại phương tiện giao thông công cộng-đối với người giàu và là "xe cấp cứu-115"- đối với quảng đại quần chúng nhân dân (nên không thể cấm lưu hành trong giờ cao điểm).

Thứ ba, Cũng theo quy định, chủ xe ô tô phải có số tài khoản 20 triệu VND trong ngân hàng, mới được lưu hành (xe ô tô), để khi lái xe vi phạm Luật Giao thông sẽ phạt- khấu trừ vào tài khoản. Song, nếu triển khai thực hiện sẽ không đơn giản chút nào.
Bởi vì thực tế thiếu gì số tài khoản "ma" và số tài khoản đã có những trường hợp "bỗng dưng" thay đổi từ phía ngân hàng. Do đó cơ quan chức năng phải xác minh qua hệ thống ngân hàng, mới biết chính xác số tài khoản của chủ xe.
Và việc khấu trừ tài khoản chủ xe (hoặc tài khoản của người lái xe) vi phạm Luật Giao thông, cơ quan chức năng cần quy định, theo dõi sát thời hạn- mốc thời gian thanh toán tiền phạt. Nếu quá hạn thanh toán, thì người vi phạm sẽ phải chịu lãi suất cộng dồn luỹ tiến. Chứ không cần quy định trong tài khoản phải có 20 triệu VND.

Thứ tư, nâng cao quá mức tiền phạt người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, so với Nghị định hiện hành (số 34/2010/ND-CP, ngày 02/4/2010 của TT Chính phủ), sẽ lợi bất cập hại. Cũng như việc quy định người vi phạm Luật Giao thông phải đến Kho bạc nhà nước để nộp tiền phạt (nhằm hạn chế tiêu cực mãi lộ).
Vì không phải trước đây cơ quan chức năng chưa nghĩ ra sáng kiến khấu trừ tiền phạt qua tài khoản ngân hàng (như nêu ở phần trên). Mà mặt khác, ở giai đoạn lúc bấy giờ, cơ quan chức năng muốn cố tình gây rườm rà, phiền toái (phải đến Kho bạc)... cho người vi phạm "cạch đến già", lần sau không dám vi phạm Luật Giao thông.
Nhưng rồi thực tế cho thấy lợi bất cập hại, dẫn đến một hiện tượng phổ biến: Người lái xe vi phạm sẵn sàng chia "lửa" số tiền phạt, đút lót CSGT nhằm né Kho bạc Nhà nước, vì sợ mất thời gian đi lại, và những lôi thôi về thủ tục hành chính.
Thế là, lại dẫn đến một hành vi vi phạm khác- hối lộ và nhận hối lộ, mà cả hai phía, người vi phạm, người thi hành công vụ, đều thỏa thuận ngầm che giấu cho nhau.

Thứ năm, về việc xử lý nạn đua xe trái phép. Quan trọng đối với cơ quan chức năng có tích cực ngăn chặn nạn này như CSGT thuộc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hay không?
Và khi đuổi bắt được các đối tượng, cơ quan chức năng có khách quan xác minh được đích cuộc đua xe ở đâu? Giải thưởng ra sao? Ai là người cầm đầu tổ chức cuộc đua xe trái phép?...
Để các đối tượng không thể chỉ nhận "đuổi nhau trên đường"- chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà phải thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật (điều 207 Bộ Luật Hình sự), với khung hình phạt cao nhất 20 năm tù. Như vậy mới có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn ngừa tệ đua xe trái phép trên đường giao thông công cộng, góp phần bảo đảm trật tự ATGT.


Nguồn : Tuanvietnamnet